Công nhân Việt bị bóc lột và đối xử tàn tệ ngay tại Âu Châu

Ngọc Thu|
 
Hôm 18 Tháng Mười Một 2021, bài phóng sự của BBC phản ảnh „thảm trạng“ tồi tệ của hàng trăm lao động Việt Nam tại Serbia khiến dư luận phẫn nộ và EU buộc phải lên tiếng.
 
Viola von Cramon, nghị sĩ Đức trong Nghị viện Châu Âu, đã phản ứng với tình hình ở Zrenjanin – Serbia như sau:
 
"Nếu đó là lao động cưỡng bức, chế độ nô lệ ở Tây Balkan, thì đó là điều bi thảm và chúng ta phải cố gắng ngăn chặn nó."
 
Vì sao có tình trạng nô lệ lao động xảy ra trong các nước thuộc cộng đồng Liên Âu?
 
Khoảng 400 công nhân Việt Nam đã được đưa đến Serbia vào mùa xuân để tham gia dự án xây dựng nhà máy mới sản xuất lốp ô tô của công ty Linglong thuộc Trung Quốc. Tại đây họ bị tịch thu hộ chiếu và điều kiện sống rất tồi tệ. Chỗ ở lạnh lẽo, không khí ngột ngạt, giường không có đệm.
 
Những công nhân Việt Nam phản ánh với phóng viên rằng: "Mọi thứ đều khác với trong hợp đồng chúng tôi đã ký ở Việt Nam - cuộc sống rất tồi tệ, đồ ăn thức uống, thuốc, mọi thứ đều rất tồi tệ."
 
Hành vi tịch thu hộ chiếu của người lao động ngay khi đến Serbia và ngăn cản không cho nhà báo và các nhà hoạt động chống nạn buôn người tiếp cận với công nhân đã cho thấy đây có khả năng là một vụ buôn người vì mục đích bóc lột sức lao động.
 
Hôm thứ Tư, 17 Tháng Mười Một vừa qua một sự cố xảy ra khiến dư luận càng quan tâm hơn nữa đến vụ này. Các nhà hoạt động chống nạn buôn người đã cố gắng đưa một trong số những công nhân tố giác ra khỏi nhà máy, nhưng bị các nhân viên an ninh ở đây ngăn chặn, vì vậy đã xảy ra sự va chạm giữa công nhân và các nhân viên.
 
Trước phản ứng gay gắt của dư luận công ty Linglong phủ nhận mọi cáo buộc và nói rằng công nhân Việt Nam không phải do họ tuyển dụng mà là của nhà thầu.
 
Thủ tướng Serbia, Ana Brnabić, tuyên bố rằng công tác thanh tra lao động đang được tiến hành và đã ra lệnh chuyển công nhân ra khỏi chỗ này để họ có điều kiện tốt hơn.
 
Và cuối cùng là phản ứng của EU với sự lên tiếng của nghị sĩ Viola von Cramon rằng bà hy vọng, Chính phủ (Serbia) sẽ xem xét điều này một cách nghiêm túc.
 
Phản ứng của dư luận, truyền thông và EU hy vọng có thể ngăn chặn hay làm giảm bớt tình trạng buôn người nhằm mục đích bóc lột sức lao động, trong trường hợp này đối với công nhân người Việt.
 
Như thường lệ, nhà nước CSVN hoàn toàn im lặng về sự kiện loại này dù họ phải có trách nhiệm khi đồng ý đưa công nhân Việt ra nước ngoài làm việc.
 
Ngọc Thu