Các tổ chức nhân quyền và an ninh số kêu gọi trả tự do cho ký giả phim ảnh Nguyễn Văn Hóa

Ngày 3 tháng Năm, 2017

Vào dịp kỷ niệm Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới, nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do ngay cho anh Nguyễn Văn Hóa, một ký giả phim ảnh bị bắt giữ từ tháng Giêng.

Anh Hóa là một huấn luyện viên về an ninh số, một ký giả dân báo và cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do. Anh tường trình tin tức liên quan đến thảm họa môi trường do công ty Formosa gây ra hàng loạt cá chết dọc theo bờ biển miền Trung Việt Nam. Anh Hóa, 22 tuổi, là người đầu tiên dùng máy ảnh gắn trên drone để phát hình trực tiếp cuộc biểu tình trước cổng nhà máy thép Formosa. Trong tháng Mười năm ngoái, những hình ảnh và video của anh thực hiện về cuộc biểu tình trên 10 ngàn người ôn hòa đã được nhiều hãng thông tấn đưa tin và lan truyền trên mạng. Trước khi bị bắt, anh Hóa đã mở lớp để dạy về căn bản bảo mật máy tính tại các vùng nông thôn Việt Nam.

Anh Hóa bị bắt giữ vào ngày 11 tháng Giêng, 2017 và bị cáo buộc tội “lợi dụng tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước” theo Điều 258 Bộ luật hình sự. Anh bị biệt giam nhiều tuần lễ trước khi gia đình được thông báo. Theo gia đình cho biết thì nhà cầm quyền đã thay đổi cáo buộc anh sang tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88.

Nhà cầm quyền Việt Nam gần đây đã tung ra một video của anh Hóa “xin lỗi” về việc đưa tin biểu tình nhằm mục đích can ngăn quần chúng tham gia vào các sinh hoạt dân sự ôn hòa và làm phóng sự dân báo.

Việc bắt giữ anh Nguyễn Văn Hóa diễn ra trong thời điểm nhà cầm quyền Việt Nam mở cuộc đàn áp các ký giả dân báo, các nhà hoạt động mạng và các nhà họat động bảo vệ nhân quyền. Hai blogger Nguyễn Văn Oai và Trần Thị Nga cũng bị bắt giữ sau anh Hóa vài ngày.

Trước tình trạng gia tăng các vấn nạn xã hội và môi trường, chính quyền Việt Nam nên hoan nghênh những nỗ lực đối thoại ôn hòa và minh bạch. Đàn áp các ký giả dân báo chẳng những vi phạm nhân quyền mà còn là một rào cản lớn cho ước vọng của Việt Nam muốn trở thành một tụ điểm công nghệ và sáng tạo.

Đồng ký tên

Access Now
ASL19
Aspiration
Brave New Software
China Digital Times Inc.
Digital Rights Foundation
Electronic Frontier Foundation
eQualit.ie
Freya Labs
Front Line Defenders
Give ’N Get Nigeria
GreatFire.org
Guardian Project
Human Rights in China
Internet Without Borders
Netblocks
Open Observatory of Network Interference (OONI)
Reporters Sans Frontieres
Security First
Sinar Project
Suara Rakyat Malaysia (SUARAM)
Taiwan Association for Human Rights
Thai Netizen Network
The 88 Project
The Serval Project
Tibet Action Institute
Usuarios Digitales
Việt Tân