Bộ luật Hình sự qui định về tội phạm và hình phạt. Nó các ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do và bất khả xâm phạm về thân thể của con người. Ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng,…., của công dân. Bởi vậy các hành vi phạm tội được định nghĩa và mô tả trong các điều luật phải rõ ràng, minh bạch, khoa học và cụ thể. Các hành vi bị coi là phạm tội phải thực sự là những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội và cần phải ngăn chặn và trừng phạt.
Trong dự thảo Bộ luật HS có rất nhiều qui định không rõ ràng, mơ hồ rất dễ làm cho các cơ quan tiến hành tố tụng lạm quyền hoặc bắt giam, điều tra, truy tố, xét xử người vô tội. Xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Các tổ chức ký tên dưới đây đưa ra bình luận và kiến nghị sửa đổi hoặc loại bỏ một số điều khoản trong dự thảo Bộ luật HS sửa đổi.
Điều 39. Tử hình
“1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Tội đã phạm là tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định;
b) Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, hoặc thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng.”
BÌNH LUẬN điều 39:
Người phạm tội đặc biệt nghiệm trọng đã gây ra rất nhiều hậu quả xấu cho xã hội, cho tính mạng, sức khỏe của người khác.
Nhưng nếu pháp luật lại qui định hình phạt tử hình với họ thì thêm một lần nữa pháp luật tiếp tục gây ra những đau khổ cho thân nhân của những người phạm tội.
Việc duy trì án tử hình không đảm bảo tính răn đe tội phạm. Bằng chứng rõ nét nhất là tình trạng tội phạm ở Việt Nam mỗi năm một gia tăng. Mức đô nguy hiểm, tàn bạo của tội phạm cũng gia tăng mạnh mẽ. Điều đó chứng tỏ rằng việc duy trì án tử hình không có tính răn đe.
Tình trạng tội phạm, tính nguy hiểm và tàn bạo của tội phạm phụ thuộc vào giáo dục từ gia đình đến xã hội, phụ thuộc vào tình trạng kinh tế, chính trị, xã hội.
Đồng thời điều 19 Hiến pháp Việt Nam 2013 qui định: “Mọi người có quyền được sống.”
Cho nên việc duy trì hình phạt tử hình như qui định tại điều 39 là không cần thiết.
KIẾN NGHỊ:
Loại bỏ điều 39 và hình phạt tử hình ra khỏi Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi.
Điều 71. Xoá án tích theo quyết định của Toà án (sửa đổi)
1. Xoá án tích theo quyết định của Toà án được áp dụng đối với người bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
Toà án quyết định việc xoá án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã được thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.
BÌNH LUẬN:
Việc những người bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật HS chỉ được xóa án tích theo quyết định của tòa án là một sự phân biệt đối xử. Trái với quy định mọi cá nhận phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật. Người phạm tội đã phải chịu hình phạt tương ứng với hành vi phạm tội của họ. Sau khi chấp hành án xong, họ trở thành công dân có quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng với công dân khác. Quy định việc xóa án tích theo quyết định của Tòa án là không phù hợp.
KIẾN NGHỊ:
Loại bỏ điều 71 ra khỏi dự thảo Bộ luật HS sửa đổi. Và đưa các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI vào diện đương nhiên được xóa tại điều 70.
Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (sửa đổi)
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;
BÌNH LUẬN điều 109:
Điều 2 Hiến pháp Việt Nam 2013 qui định: “Nhà nước Việt Nam là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân,…. Nhà nước Việt Nam do Nhân dân làm chủ. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân.”
Điều này được hiểu là Nhân dân có quyền lựa chọn chính quyền thông qua bầu cử tự do, công bằng. Nhân dân có quyền phế truất chính quyền khi chính quyền đó đi ngược lại lợi ích của Nhân dân, hay không thực hiện đúng lời hứa trước Nhân dân.
Việc phế truất chính quyền được Nhân dân thực hiện qua các quyền con người được qui định trong Hiến pháp như: Quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền hội họp, lập hội, biểu tình.
Việc phế truất chính quyền được thực hiện bằng biện pháp ôn hòa, phi vũ trang.
Bởi vậy, qui định tại điều 109 của Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự là xâm phạm đến quyền làm chủ đất nước của Nhân dân, xâm phạm đến quyền lực của Nhân dân. Cản trở việc thực hiện các quyền con người của Nhân dân. Cụ thể ở đây là vi phạm điều 2 và điều 25 Hiến pháp Việt Nam 2013.
KIẾN NGHỊ:
Loại bỏ điều 109 ra khỏi dự thảo Bộ luật HS sửa đổi.
Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu có nội dung phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu gây hoang mang trong nhân dân.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
BÌNH LUẬN điều 117:
Tất cả các chính quyền trên thế giới được người dân lựa chọn thông qua bầu cử tự do, công bằng hay các chính quyền độc tài, độc đảng đều không bao giờ có thể đại diện, phục vụ, đáp ứng yêu cầu của 100% người dân. Trong bất kỳ chế độ nào, xã hội nào cũng có rất nhiều các nhóm hay tầng lớp Nhân dân bị thiệt thòi, thiệt hại do các chính sách kinh tế, chính trị, xã hội do chính quyền thực thi.
Bởi vậy Hiến pháp Việt nam năm 2013 qui định người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do chính kiến, quyền khiếu nại, tố cáo,…. Để Nhân dân có thể lên tiếng khi quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại. Các quyền này còn được ghi nhận trong các Công ước quốc tế.
Trong chế độ độc đảng cộng sản tại Việt Nam, ngày càng nhiều tầng lớp Nhân dân không còn hài lòng với sự lãnh đạo yếu kém, tham nhũng và những bất công trong xã hội. Bởi vậy việc các tầng lớp Nhân dân lên tiếng phê phán, chỉ trích chính quyền và đảng cộng sản là việc làm bình thường, phù hợp với các quyền con người trong Hiến pháp và Công ước quốc tế.
Tùy theo trình độ dân trí, sự bức xúc của Nhân dân mà các tầng lớp Nhân dân sử dụng các ngôn ngữ khác nhau để lên tiếng, chỉ trích, phê phán chính quyền và đảng cộng sản. Và đương nhiên chính quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân thì phải chịu sự chỉ trích, phê phán đó.
Việc làm ra các thông tin, tài liệu nhằm chống chính quyền là việc làm bình thường khi Nhân dân không còn tin tưởng vào chính quyền đó, Nhà nước đó. Miễn là các thông tin, tài liệu đó không kích động bạo lực, bạo loạn, vũ trang.
Bởi vậy, điều 117 trong Dự thảo luật Hình sự sửa đổi đã xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền phê phán, chỉ trích chính quyền của Nhân dân.
KIẾN NGHỊ:
Cần phải loại điều 117 ra khỏi dự thảo.
Điều 297. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc xâm phạm trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 117 và Điều 338 của Bộ luật này;
BÌNH LUẬN điểm a:
‘... những thông tin trái với qui định của pháp luật,...’ đó là những thông tin gì? Qui định ở văn bản pháp luật nào? Qui định như điểm a khoản 1 là qui định không rõ ràng, không minh bạch. Chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng qui kết, chụp mũ, áp dụng bừa bãi của các cơ quan tố tụng, xâm phạm trực tiếp đến quyền tiếp cận thông tin, quyền được thông tin, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân.
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
BÌNH LUẬN điểm c:
Trên mạng máy tính, mạng viễn thông có vô vàn các thông tin. ‘Các hành vi khác sử dụng trái phép’ ở qui định này rất mơ hồ, chung chung. Chắc chắn sẽ dẫn đến việc áp dụng một cách bừa bãi, xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân.
KIẾN NGHỊ:
Cần phải bỏ điểm a, điểm c của khoản 1 điều này ra khỏi dự thảo Bộ luật HS sửa đổi.
Điều 343. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân (sửa đổi)
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
BÌNH LUẬN:
“…các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác…” là các quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Công dân có quyền sử dụng các quyền tự do dân chủ của mình để bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ chính quyền, Nhà nước,… hoặc bày tỏ sự bất bình, phản đối, phê phán chính quyền, Nhà nước khi có các chính sách, đường lối không phù hợp, xâm phạm đến lợi ích của Nhân dân.
Bởi tất cả các chính sách, pháp luật,… của chính quyền, Nhà nước không bao giờ bảo đảm đem lại lợi ích cho 100% Nhân dân. Chắc chắn sẽ có những nhóm thiểu số trong xã hội bị ảnh hưởng. Và những nhóm bị ảnh hưởng có quyền sử dụng các quyền tự do dân chủ để bày tỏ sự bất bình, phản đối, phê phán chính quyền, Nhà nước. Thậm chí những người hoặc các nhóm người không bị ảnh hưởng nhưng họ có quyền bày tỏ sự bất bình, phản đối, phê phán chính quyền, Nhà nước.
Tất cả mọi người dân chỉ sử dụng các quyền tự do dân chủ của họ mà đã được Hiến pháp qui định. Không có công dân nào lại đi lợi dụng chính các quyền hiến định của mình.
Qui định của điều 343 sẽ bóp chết các quyền tự do dân chủ của Nhân dân. Bóp chết các tiếng nói phản biện xã hội. Không thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, minh bạch của xã hội. Cản trở tiến trình dân chủ hóa và kìm hãm sự phát triển của đất nước.
KIẾN NGHỊ: Xóa bỏ điều 258 trong Bộ luật Hình sự hiện hành hay điều 343 trong Dự thảo Bộ luật HS sửa đổi.
KÊU GỌI:
Chúng tôi kêu gọi Liên hiệp quốc, chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế hãy lên tiếng ủng hộ chúng tôi về bản kiến nghị sửa đổi trong Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi của Việt Nam.
Đồng ký tên:
1/ Ban Vận động Văn đoàn Độc lập VN ký tên. Đại diện: nhà văn Nguyên Ngọc
2/ Diễn Đàn XHDS. Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
3/ Hội thánh Tin lành Chuồng Bò. Ms. Nguyễn Mạnh Hùng
4/ Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam đồng ý ký tên. Bs Nguyễn Đan Quế và Linh mục Phan Văn Lợi
5/ Hội nhà báo độc lập Việt Nam xin ký tên. Nhà báo Phạm Chí Dũng
6/ Hội Anh Em Dân Chủ. Kỹ sư Phạm Văn Trội
7/ Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam. Huỳnh Thục Vy
8/ Trung Tâm Nhân Quyền Việt Nam. Luật sư Nguyễn Văn Đài
9/ Giáo Hội PGHH Thuần Tuý. Đại diện: Lê Quang Hiển
10/ Đảng Việt Tân. Đại diện Giáo sư Phạm Minh Hoàng
11/ Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Đại diện: HT Thích Không Tánh.
12/ Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền. Đại diện: Linh mục Nguyễn Hữu Giải.
13/ Con Đường Việt Nam. Đại diện: Hoàng Văn Dũng
14/ Giáo Hội Liên Hữu Lutheral Việt Nam – Hoa Kỳ.Đại diện Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa.
15/ Bạch Đằng Giang Foundation. Đại diện: Thạc sĩ Phạm Bá Hải.
Nguồn: Dân Luận