Vương Quốc Anh (United Kingdom, UK) đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất trong thời gian nhiều năm qua sau khi Nghị Viện Anh biểu quyết chống lại đề nghị của bà Thủ Tướng Theresa May (Brexit Deal) về việc nước Anh rời Liên Hiệp Âu Châu (EU) với tỉ số áp đảo và kỷ lục trong lịch sử nước Anh là 432 chống và 202 thuận. Thành phần chống đối bao gồm cả những người trước giờ vẫn chống đối và những người trước giờ ủng hộ việc UK tách rời khỏi EU.
Theo thời hạn dự trù thì UK phải chính thức rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019. Với tình hình hiện nay thì tất cả mọi chuyện dự trù đều có thể bị đảo ngược. Trước mắt, tiếp liền theo cuộc bỏ phiếu của Nghị Viện, lãnh tụ đối lập là ông Jeremy Corbyn đã đưa ngay đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ của bà Theresa May trong vòng 24 tiếng đồng hồ mà kết quả cũng chưa thể biết trước ngoại trừ vai trò và uy tín của bà May đang ở mức thấp chưa từng thấy.
Thường thì với thất bại lớn đối với việc bỏ phiếu cho chính sách quan trọng như vậy sẽ dẫn đến việc thủ tướng từ chức.
Nhưng bà May tỏ ý bám trụ trong một thông báo ngay sau lá phiếu này.
"Quốc hội đã lên tiếng và chính phủ này sẽ nghe," bà nói với các Dân biểu.
Bà đề nghị hội đàm giữa các đảng để xác định một con đường cho Brexit.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk, nói ông lấy làm tiếc về kết quả bỏ phiếu và rằng ông thúc giục chính phủ Anh "làm rõ các ý định để có được các bước đi tiếp theo sớm nhất có thể".
Một việc cũng không thể loại bỏ là sẽ diễn ra một cuộc trưng cầu dân ý thứ nhì liên quan đến việc UK có rời khỏi EU hay không.
Cuộc trưng cầu dân ý lần đầu dẫn đến Brexit diễn ra vào Tháng 6/2016 với kết quả 52% muốn rời và 48% muốn ở lại ngay khi đó đã bị cảm nhận như một sự phát biểu quá vội vã của dân chúng không được thông tin đầy đủ về việc rời và ở lại EU.
Tất cả còn trong tình trạng ... chờ xem!