Biển Đông trong chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Obama và Tập Cận Bình

Trong cuộc phỏng vấn vào ngày 8/10 trên tờ New York Times, cựu đại tá Hồng quân Trung Cộng, Lưu Minh Phú, tác giả tập sách “Trung Hoa Mộng” (2010) đã cho rằng chiến tranh Trung Mỹ rất khó tránh, dưới thời ông Tập Cận Bình vì ba nguyên do:

Thứ nhất là cả Mỹ và Nhật đang tìm cách cô lập Trung Quốc đối với các quốc gia trong vùng.

Thứ hai là sự xâm lược của Nhật Bản, qua sự tăng cường lực lượng Tự Vệ Đội gần đây và con đường của chủ nghĩa quân phiệt Nhật quá khứ.

Thứ ba là Trung Quốc phải đối phó với chủ nghĩa bá quyền thế giới của Hoa Kỳ.

Họ Lưu nói rằng, Trung Quốc đang tìm mọi cách ngăn ngừa cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ; nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy là cuộc xung đột sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra, đặc biệt là những tranh chấp gần đây về biển Đông.

Trong khi đó, báo The Wall Street Journal số ra ngày 13/10 cho biết là Tòa Bạch Ốc đã tỏ ra nghi ngờ về lời hứa của Tập Cận Bình là không quân sự hóa các đảo nhân tạo nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng 9 vừa qua.

Lý do là Trung Quốc đã cực lực phản đối việc Tòa Bạch Ốc cho Hải Quân Hoa Kỳ đưa tàu chiến và phi cơ tuần tra đến gần khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh cho là thách thức chủ quyền của họ.

Nếu Bắc Kinh chỉ bồi đắp đảo nhân tạo cho mục tiêu phi quân sự và cứu cấp trên biển như họ Tập đã hứa, thì Trung Quốc đã không gửi đi lời cảnh báo nhắm vào Hoa Kỳ rằng: “sẽ không bao giờ cho phép bất cứ nước nào nhân danh việc bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển và trên không, vi phạm lãnh hải và không phận của Trung Quốc trong quần đảo Trường Sa”.

Những động thái nói trên cho thấy là cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đang “ăn thua đủ” trên biển Đông. Trong bối cảnh đó, cả ông Tập Cận Bình và ông Obama viếng thăm Việt Nam vào tháng 11 tới đây, đã tạo ra một sự quan tâm đặc biệt trong dư luận Việt Nam và Á Châu.

Trên bề mặt, Hà Nội loan tải rằng Tập Cận Bình đến Việt Nam trong khuôn khổ kỷ niệm 65 năm ngoại giao giữa hai nước Trung - Việt, còn ông Obama đến Việt Nam là để thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng về kinh tế trong khuôn khổ đối tác của Hiệp định TPP.

Trong thực tế, chuyến thăm Việt Nam của ông Obama và ông Tập ẩn chứa nhiều điều phức tạp. Có lẽ khởi đi từ chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng 7 vừa qua của ông Nguyễn Phú Trọng.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ, ông Nguyễn Phú Trọng, người được coi là thân cận với Bắc Kinh trong
nhiều thập niên dài, đã cho thấy sự chuyển hướng rõ nét của ông Trọng nói riêng và Bộ chính trị CSVN nói chung về phía thân thiện hơn với Hoa Kỳ.

Nói cách khác là thái độ của lãnh đạo CSVN hiện nay không còn mấy “thân thiện” với Bắc Kinh theo kiểu “môi hở răng lạnh” như trước khi xảy ra vụ giàn khoan HD 981 vào tháng 5/2014.

Chính trong bối cảnh này, vấn đề biển Đông sẽ chi phối rất lớn trong các trao đổi giữa lãnh đạo Hà Nội với hai phái đoàn của ông Tập Cận Bình và ông Obama.

Trước hết đối với ông Tập Cận Bình. Bắc Kinh thấy rõ “thái độ” dè chừng của Hà Nội gần đây nên qua chuyến đi này, họ Tập sẽ làm một phép thử về lòng trung thành của CSVN đối với Bắc Kinh.
Phép thử này dựa trên yếu tố buộc CSVN phải kiên định lập trường Ba Không và nhất là không cho Hoa Kỳ thuê hay xử dụng căn cứ Cam Ranh dưới bất cứ hình thức nào.

Đây là phép thử rất quan trọng khi mà Hà Nội đang bị Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu và Phi Luật Tân lôi kéo vào trong khuôn khổ của liên minh chống lại sự trổi dậy của Trung Quốc.

Trung Quốc chỉ cần Hà Nội tiếp tục chính sách Ba Không, là đủ để cản trở mọi toan tính của Hà Nội trong việc nhích gần lại Hoa Kỳ.

Mặc dù cho đến nay, CSVN vẫn tuyên bố giữ lập trường Ba Không, nhưng sự bành trướng của Trung Quốc ngày càng gia tăng, đe dọa sự ổn định của khu vực, nhất là đối với lãnh thổ và chủ quyền Việt Nam. Do đó mà cách ứng xử của CSVN đã đến lúc phải dứt khoát.

Đối với ông Obama. Hoa Thịnh Đốn cũng thấy rõ “thái độ” chần chừ của Hà Nội trong việc hợp tác hay lên tiếng liên quan đến các động thái của Hoa Kỳ và Nhật Bản đối với Trung Quốc gần đây. Nhất là trong chuyến viếng thăm của ông Trọng tại Nhật Bản vào trung tuần tháng 9, đúng vào lúc Thượng Viện Nhật thông qua ba đạo luật về an ninh, rất mong Hà Nội lên tiếng hỗ trợ nhưng ông Trọng và phái đoàn hoàn toàn im lặng.

Trong khi đó, ai cũng nhìn thấy rằng, sau khi hoàn tất việc xây dựng các căn cứ quân sự trên những đảo nhân tạo, Bắc Kinh sẽ tiến chiếm các đảo, bãi đá chìm của Việt Nam còn lại trong quần đảo Trường Sa. Điều này sớm muộn gì cũng xảy ra mà CSVN không còn có thể tránh né thế đối đầu với Bắc Kinh.

Do đó phép thử của ông Obama lần này là đòi hỏi CSVN phải hợp tác với Hoa Kỳ trên biển Đông, mà cụ thể là tham gia tập trận chung với các nước đồng minh Hoa Kỳ và cho phép tàu chiến Mỹ ghé Cam Ranh thường xuyên hơn.

Khi Tòa Bạch Ốc đồng ý cho Hải Quân đưa tàu chiến và phi cơ tuần tra gần khu vực 12 hải lý các đảo nhân tạo của Bắc Kinh, chắc chắn những tàu chiến này sẽ đi vào trong khu vực 12 hải lý của các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Điều này đặt CSVN ở vào thế phải hợp tác và đây là phép thử rất quan trọng để từng bước Hoa Kỳ lôi kéo CSVN đi vào quỹ đạo những quốc gia chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.

Trên bề mặt, sự kiện CSVN đón được hai đối thủ nặng ký viếng thăm Việt Nam - tuy khác ngày giờ nhưng nằm trong tháng 11 - tạo ấn tượng là Hà Nội “xuất sắc” trong trò đu dây.

Nhưng thực tế cho thấy, vấn đề biển Đông không còn là lời qua tiếng lại giữa các nước như quá khứ mà đã trở thành nguy cơ đe dọa chiến tranh.

Việt Nam đang là trung tâm điểm của nguy cơ này, do vị trí địa dư nhìn ra biển Đông.

Vì thế, thủ thuật đu dây của CSVN không còn phù hợp; trái lại rất là nguy hiểm vì sẽ không có nước nào cứu lấy dân tộc Việt Nam khi Trung Quốc tiến chiếm nốt 21 đảo và bãi đá chìm mà Việt Nam đang có chủ quyền tại Trường Sa.

Nói tóm lại, CSVN nên bước ra khỏi thế chư hầu của Bắc Kinh trong dịp đón Tập Cận Bình, và nên hợp tác với Hoa Kỳ để thật sự bảo vệ sự toàn vẹn biển đảo trước nguy cơ xâm lược của Bắc Kinh trong thời gian tới.

Đoàn Hùng
Ngày 14/10/2015
http://vnctcmd.blogspot.de/…/bien-ong-trong-chuyen-vieng-th…