Ba Lan bỏ Đức chi tiền tỷ mua vũ khí của Hàn Quốc

Von Philipp Fritz (Welt)
Nguyễn Xuân Hoài

Ba Lan đặt mua thiết bị chiến tranh với khối lượng lớn của Hàn Quốc, ngành công nghiệp vũ khí của Đức trơ mắt ếch. Ý đồ sâu xa của Ba Lan là noi gương Hàn Quốc , một hình mẫu của Châu Á, để phát triển. Có nghĩa là đẩy mạnh vũ trang hiện đại, tăng sức sáng tạo và có sự tăng trưởng đầy ngưỡng mộ. Điều này cũng sẽ tạo nên tiền đề để Ba Lan phát triển và có vai trò đáng nể trong EU.
 
Thỏa thuận làm ăn giữa Hàn Quốc và Ba Lan đã làm cho mọi chương trình vũ khí khác của châu Âu bị lu mờ: Ba Lan mua hơn 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực, 648 pháo tự hành và 48 máy bay phản lực FA-50 của Hàn Quốc. Thêm vào đó là việc xây dựng các cơ sở sản xuất ở Ba Lan.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak đã ký một thỏa thuận khung cho thỏa thuận tỷ euro vào tháng 7 và thỏa thuận mua máy bay vào ngày 16 tháng 9. Tổng thống Andrzej Duda nói về một “sự tin tưởng lớn” phát sinh từ quan hệ hợp tác kinh tế và chính trị giữa Ba Lan và Hàn Quốc.
 
Ba Lan, đã chuyển giao phần lớn hệ thống vũ khí cũ của mình cho quân đội Ukraine và nay tự trang bị vũ khí cho mình không giống bất cứ một quốc gia NATO nào khác. Nhiều nhà quan sát nước ngoài ngạc nhiên về việc chính phủ Warsaw đã đưa Hàn Quốc lên làm đối tác lâu dài. Vì bản thân Hàn Quốc, ở Đông Á, không phải là thành viên NATO nên các hệ thống vũ khí của Hàn Quốc không thể tương thích với các hệ thống vũ khí của các nước NATO.
 
Tại Ba Lan, đơn hàng mua một số loại vũ khí của Seoul, chẳng hạn mua súng cối, đã gây ra sự kinh ngạc, bởi vì chính phủ có thể đặt hàn với một sản phẩm tương tự từ một doanh nghiệp nội địa là HSW. Tuy nhiên, giới chuyên môn Ba Lan không ngạc nhiên về việc Ba Lan về cơ bản lựa chọn đối tác Hàn Quốc.
 
Ba Lan muốn coi Nam Hàn là hình mẫu
 
Hàn Quốc là một trong những đối tác thân thiết nhất của Ba Lan về công nghiệp và chính sách an ninh. Thỏa thuận vũ khí chỉ là một dấu hiệu của mối quan hệ đã phát triển trong nhiều năm, điều này ngày càng trở nên rõ ràng hơn và sẽ không tồn tại nếu không có ảnh hưởng đối với phần còn lại của EU.
 
Vào ngày hợp đồng được ký kết, Bộ trưởng Blaszczak đã nói về một "cách tiếp cận chiến lược". Vì vậy, không chỉ là việc lấp đầy khoảng trống trong quân đội, mối quan hệ với Hàn Quốc còn vượt ra ngoài cung cấp vũ khí. Ngay từ năm 2015, Jaroslaw Kaczynski, chủ tịch đầy quyền lực của Đảng Công lý và Pháp luật (PiS), đã so sánh Ba Lan với Hàn Quốc và tuyên bố quốc gia châu Á này là một hình mẫu để noi theo.
 
Hàn Quốc, nơi từng bị tác động của cuộc chiến tranh Triều Tiên và là một đất nước nghèo đói, chỉ sau vài thập kỷ đã trở thành một trong những quốc gia kinh tế hàng đầu. Đất nước với 50 triệu dân hiện đứng thứ 12 trong số các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Samsung, Hyundai và LG là những nhà vô địch về công nghiệp và công nghệ toàn cầu.
 
Các chính trị gia Ba Lan nhìn nhận sự tương đồng giữa quốc gia của họ và Hàn Quốc. Phần lớn lãnh thổ Ba Lan đã bị phá hủy trong chiến tranh Thế giới II. Sau chiến tranh, Ba Lan là một phần của cái gọi là Khối Đông Âu, do Liên Xô thống trị và bị cắt đứt các mối liên hệ với phương Tây phát triển.
 
Trong EU Ba Lan hiện đứng đầu về tăng trưởng
 
Sau năm 1989, Ba Lan bắt đầu sự rượt đuổi. Từ giữa những năm 1990, quốc gia này được coi là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất trên thế giới. Ba Lan cũng đứng đầu danh sách trong EU, với nền kinh tế tăng trưởng tới 5% mỗi năm.
 
Bất cứ ai đến thăm Warsaw ngày nay với những tòa tháp bằng kính và quan sát nhịp sống đầy hối hả của người dân nơi đây chắc chắn sẽ nghĩ đến những siêu đô thị châu Á như Seoul.
 
Còn một lý do nữa cho sự gắn bó giữa Ba Lan với Nam Hàn. Đó là cả hai nước có chung nhận thức về việc phải sống trong tình trạng bị nước láng giềng thường xuyên đe dọa. Trong khi Ba Lan trước ngày 24 tháng 2 luôn cảnh báo về một nước Nga hung hăng và Brussels hoặc Berlin thường bác bỏ coi đó là một sự phóng đại, trong khi đó Hàn Quốc được coi là có sự thấu hiểu về tình trạng này. Vì bản thân Hàn Quốc cũng luôn bị Bắc Triều Tiên, quốc gia láng giềng có vũ khí hạt nhân gây sự và đe dọa.
 
Đã có một sự bùng nổ về Hàn Quốc tại Ba Lan trong những năm gần đây. Có các chương trình trao đổi văn hóa và các khóa học ngôn ngữ, và nhu cầu về Nghiên cứu Hàn Quốc tại các trường đại học Ba Lan vượt xa khả năng đáp ứng hiện tại. Quan hệ Ba Lan - Hàn Quốc cũng được thể hiện bằng ngoại tệ mạnh.
 
Chỉ một số năm sau khi tổng thống hai nước ký tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013, Seoul đã vươn lên trở thành nhà đầu tư châu Á quan trọng nhất ở Ba Lan, thậm chí còn đi trước cường quốc thế giới là Trung Quốc. Samsung có chi nhánh tại Ba Lan và điều hành trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất bên ngoài Hàn Quốc tại Warsaw.
 
LG Chem mở rộng cơ sở sản xuất pin động lực ở Kobierzyce biến nó thành cơ sở lớn nhất thế giới. Khối lượng đầu tư: hơn ba tỷ euro. Doanh nghiệp KHNP Ba Lan vừa đệ trình đề nghị xây dựng sáu lò phản ứng hạt nhân với công suất 8,4 gigawatt. Ba Lan đang tham gia vào lĩnh vực điện hạt nhân, Mỹ và Hàn Quốc là sẽ hỗ trợ dự án này.
 
Ba Lan là đầu cầu của Hàn Quốc ở Châu Âu
 
Hồi tháng 2, sân bay Incheon đã được công bố là sân bay đối tác của dự án sân bay lớn của Ba Lan CPK. Người đại diện chính phủ của dự án này nói đây là "cửa ngõ của Đông Á vào Liên minh châu Âu".
 
Ông chủ Przybylski của Visegrád Insight giải thích: “Hàn Quốc có ý đồ biến Ba Lan trở thành một trung tâm đầu tư và sẽ là đầu cầu kết nối các ngành công nghiệp Hàn Quốc với thị trường châu Âu. Điều này sẽ tạo ra một sự cạnh tranh mạnh mẽ với các tập đoàn công nghiệp ở châu Âu, đặc biệt với ngành công nghiệp ô tô và ngành chế tạo vũ khí của Đức.
 
Theo quan điểm của Hàn Quốc, Ba Lan có nhiều lợi thế, là vị trí trung tâm và có một lực lượng lao động đông đảo được đào tạo tốt. Trong khi đó mức lương thấp hơn ở Đức. Trong tương lai, chi phí năng lượng thấp cũng sẽ đóng một vai trò trong hạch toán. Nhưng hợp tác với các doanh nghiệp Ba Lan trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo cũng sẽ ngày càng quan trọng hơn.
 
Ông Przybylski cũng nhấn mạnh khía cạnh của chính sách an ninh. Với cuộc tấn công tàn bạo của Nga vào Ukraine, Ba Lan đã trở thành một quốc gia tuyến đầu và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong NATO. Hàn Quốc là đối tác thân thiết của Mỹ ở châu Á.
 
“Trong tương lai, Hàn Quốc và Ba Lan, với tư cách là các quốc gia chủ chốt, sẽ có tầm quan trọng lớn hơn đối với Mỹ về chính sách an ninh. Đây là một trong những lý do tại sao sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Ba Lan rất có ý nghĩa ”, Przybylski nói. Do đó, trục Warsaw-Seoul có khả năng sẽ chuyển trọng tâm về chính sách kinh tế và an ninh ở EU ngày càng nghiêng về phía Đông hơn./.