“…Dù bị hủy diệt, nhưng nền giáo dục đó cứ như những tiếng chuông an ủi, cứ vang lên vào lúc xã hội Việt Nam suy đồi văn hóa, giáo dục hỗn loạn. Cũng may, người Việt chúng ta cũng còn một chỗ để vịn vào và đứng dậy, dẫu đó là tro tàn…’
Nhạc sĩ Tuấn Khanh - Tuấn Khanh's Blog|
Chỉ còn vài tháng nữa, là đến ngày tưởng niệm 45 năm nền giáo dục của miền Nam Việt Nam – Việt Nam Cộng Hòa bị xóa sổ. Một nền giáo dục được kỳ công xây dựng với ba tiêu chí Nhân Bản – Dân Tộc – Khai Phóng. Nghe thì đơn giản nhưng nền giáo dục ấy kỳ công bởi gột rửa con người khỏi các âm mưu tuyên truyền chính trị, dạy để biết yêu thương người cùng màu da tiếng nói, dạy để biết lý trí của lẽ phải và vươn lên, chứ không nô lệ cho một chủ thuyết nào.
Dù bị hủy diệt, nhưng nền giáo dục đó cứ như những tiếng chuông an ủi, cứ vang lên vào lúc xã hội Việt Nam suy đồi văn hóa, giáo dục hỗn loạn. Cũng may, người Việt chúng ta cũng còn một chỗ để vịn vào và đứng dậy, dẫu đó là tro tàn.
Đã 45 năm rồi, chúng ta đứng giữa sự bất lực, nhìn những người chịu trách nhiệm loay hoay, vật vã, tranh cãi liên miên cho những điều cải cách vô nghĩa, biến các gia đình và học sinh thành chỗ thí nghiệm cho một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, mãi không thành.
Bạn là phụ huynh? Vậy thì xin dành chút thời giờ nhìn lại, và hãy tự hỏi con bạn đã nhận được bao nhiêu, trong nền giáo dục hôm nay, so với 3 đoạn văn ngắn học làm người của một cuốn sách giáo khoa sơ đẳng và rất cũ.
1. Với tình thương
“Bổn phận người ta đối với xã hội, thường chia làm hai mối là: công bình và nhân ái. “Không hại người” tức là công bình, “làm hay cho người” tức là nhân ái. Người ta mà không công bình, chẳng những có tội đối với lương tâm, mà luật pháp lại còn trừng trị nữa. Giết người thì phải thế mạng; trộm cắp thì phải ngồi tù, xưa nay ở đâu cũng vậy. Con người mà không có lòng nhân ái, thì tuy đối với luật pháp không có tội lỗi, nhưng đối với lương tâm, thì là không phải. Gặp người đói khó, mà mình không giúp người ta, cũng không ai bắt được mình, nhưng trong bụng không đành”. (Trích Công bình và nhân ái ,Quốc Văn Giáo Khoa Thư/Luân lý Sơ Đẳng).
2. Với con người
“Người làm ruộng có trồng trọt cấy cày, thì ta mới có thóc gạo mà ăn. Thợ nề, thợ mộc có làm nhà, thì ta mới có nhà mà ở. Thợ dệt có dệt vải, thợ may có may áo, thì ta mới có đồ mặc vào mình. Quyển sách ta học cũng phải có người làm, người in. Cái đường ta đi cũng phải có người sửa, người quét. Nói tóm lại, nhất thiết một chút gì ta cần dùng đến, cũng là có người chịu khó làm việc mới nên”. (Trích bài Người ta phải làm việc, Quốc Văn Giáo Khoa Thư/Luân lý Sơ Đẳng)
3. Với vạn vật
“Trọng cái tính mệnh của người ta, là đừng làm điều gì phạm đến thân thể và quyền tự do của người ta. Người ta ở đời, không có gì trọng hơn cái tính mệnh, hễ phạm đến, là một tội đại ác. Không những là giết người mới có tội, cậy quyền cậy thế mà hà hiếp người ta, làm mất cái quyền tự do của người ta, cũng là một điều trái với lẽ công bình, người có lương tâm không ai làm.…Những loài vật đã giúp việc cho ta mà ta phải thương xót, là cái nghĩa vụ của ta. Nhưng đối với loài cầm thú khác, ta cũng nên có lòng nhân ái mới phải đạo làm người. Cầm thú tuy là giống không biết thiện ác và phải trái như người, nhưng nó cũng biết đau, biết khổ như mình… (Trích Ta nên thương loài vật, Quốc Văn Giáo Khoa Thư/Luân lý Sơ Đẳng)