Bộ tứ Đối thoại Quốc gia ở Tunisia đoạt giải Nobel hòa bình

Bộ tứ Đối thoại Quốc gia ở Tunisia đã đoạt giải Nobel Hòa bình năm nay về công tác trong việc ủng hộ tiến trình dân chủ hóa ở nước này sau cuộc “Cách mạng Hoa Nhài” năm 2011. Thông tín viên VOA Luis Ramirez tại châu Âu gửi về bài tường thuật từ London.

Bà Kaci Kullmann Five, đứng đầu Ủy ban Nobel, thông báo người thắng giải Nobel Hòa bình năm 2015 trong cuộc họp báo ở Oslo, Norway, ngày 9/10/2015.Photo

Tại Oslo hôm nay, Người đứng đầu Ủy ban Nobel, bà Kaci Kullman Five đưa ra thông báo:

“Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định giải Nobel Hòa bình năm 2015 sẽ được trao cho Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia về sự đóng góp quyết liệt của họ trong việc xây dựng một nền dân chủ đa nguyên ở Tunisia sau cuộc Cách mạng Hoa Nhài năm 2011”.

Bộ tứ này gồm các nghiệp đoàn lao động cũng như Liên minh Nhân quyền Tunisia và Hội Luật gia Tunisia.

Bà Kullman Five nói nhóm này đã khởi sự công tác vào một thời điểm khi tiến trình dân chủ hóa mong manh của Tunisia đang lâm vào nguy cơ sụp đổ vì hậu quả của những vụ ám sát chính trị và tình trạng bất ổn xã hội.

“Bộ tứ này đã thiết lập một tiến trình chính trị ôn hòa để thay thế vào một thời điểm đất nước đứng ở bờ vực nội chiến”.

Tunisia là hiện trường của những vụ nổi dậy dân chúng đầu tiên năm 2011 được gọi là “Mùa Xuân Ả Rập”. Người dân Tunisia đã xuống đường và buộc Tổng thống lâu đời là ông Zine el Abidine Ben Ali phải ra đi, với hy vọng chấm dứt nhiều thập niên cai trị độc tài và tham nhũng.

Tựu trung Tunisia là câu chuyện thành công duy nhất của Mùa Xuân Ả Rập.


Tổng thư ký Liên đoàn Lao động Tunisia (UGTT) Houcine Abbassi, Chủ tịch công đoàn người sử dụng lao động Tunisia (UTICA) Wided Bouchamaoui, Chủ tịch Liên đoàn Nhân quyền Tunisia (LTDH) Abdessattar ben Moussa và chủ tịch Hiệp hội Luật sư Quốc gia Tunisia Mohamed Fadhel Mahmoud.

Trong khi Ai Cập và Libya chìm vào tình trạng hỗn loạn chính trị và Syria rơi vào một cuộc nội chiến toàn diện, Tunisia đã thực hiện một tiến trình bầu cử bất bạo động trong đó cử tri hồi năm ngoái đã đem lại chiến thắng cho một chính đảng thế tục.

Nhưng vẫn còn những thắc mắc về mức độ bền vững của các thắng lợi vào lúc nước này tiếp tục đối phó với vấn đề tham nhũng, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở mức 35% và việc hàng ngàn thanh niên Tunisia bị tuyển mộ vào hàng ngũ các phần tử cực đoan, trong đó có nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Năm nay, Hoa Kỳ đã cam kết hàng trăm triệu đô la viện trợ và hợp tác thêm để củng cố nền dân chủ non trẻ. Trong một chuyến thăm Washington của Tổng thống Tunisia hồi tháng 5, Tổng thống Obama đã chỉ định nước này là một đồng minh chính ngoài khối NATO của Hoa Kỳ, khiến Tunisia có thể nhận thêm viện trợ quân sự.

http://www.voatiengviet.com/content/bo-tu-doi-thoai-quoc-gia-o-tunisia-d...

Ủy ban Nobel hôm nay tuyên bố hy vọng Tunisia sẽ là một tấm gương cho các nước khác.

Danh sách 273 ứng viên năm nay nằm trong số các danh sách dài nhất từ trước đến nay được đề cử giải Nobel hòa bình và bao gồm Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng như Thủ tướng Đức Angela Merkel.