Làm sao người dân biết được, khi trong một thời gian dài sự thật lịch sử này không được nhà cầm quyền công khai cho toàn dân biết? Mãi đến sau này, thông tin về vụ thảm sát đẫm máu đó mới được truyền thông chính thống nhà nước loan đi một cách dè dặt.
Làm sao người dân biết được, khi sách báo, phim ảnh như “Gạc Ma - vòng tròn bất tử”, “Gạc Ma - Trận hải chiến bị lãng quên”, “Ký ức về trận chiến Gạc Ma năm 1988”.v.v... bị đình bản hay cấm phát hành?
Làm sao người dân biết được khi một số nhân sĩ trí thức và những người dân biết rõ về vụ thảm sát này bị ngăn cản, sách nhiễu và đánh đập khi họ tìm cách cùng nhau tưởng niệm những chiến sĩ đã khuất?
Thảm sát Gạc Ma là nỗi đau đớn của giống nòi Việt Nam vì người lính đã trở thành bia tập bắn của quân cướp đảo Trung cộng. Thế nhưng kẻ đã ra lệnh không được nổ súng chống trả lại quân xâm lược sau 32 năm vẫn chưa bị truy cứu trách nhiệm và khi chết đi vẫn được hưởng quốc tang trọng vọng.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, vào năm 2018 đã đánh giá quyết định không nổ súng của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh trong trận Gạc Ma như sau:
“Tôi cho rằng lúc bấy giờ ông Lê Đức Anh được đưa lên làm Bộ trưởng Quốc phòng mà làm cái việc như thế là một việc phản quốc. Ra lệnh không được bắn lại để cho Trung Quốc nó giết chiến sĩ của mình như là bia sống thì tôi cho đó là một hành động phản động, phản quốc.”
Càng phẫn nộ hơn nữa khi người dân bị ngăn cản, cấm đoán tưởng niệm những chiến sĩ đã bị sát hại tại Trường Sa.
Sự vô ơn và phản bội xương máu những người đã ngã xuống của nhà cầm quyền ngày nay nhờ mạng Internet không gì có thể che giấu được nữa.
Nhà cầm quyền CSVN phải tổ chức lễ tưởng niệm ngày 14 Tháng Ba một cách trang trọng trên bình diện quốc gia, phải gọi đúng tên kẻ đã sát hại 64 chiến sĩ Trường Sa để 64 linh hồn có thể siêu thoát và trả lại công bằng cho 64 gia đình liên quan!
Ngọc Thu