Đức Hồng-Y Prof. Dr. Reinhard Marx: „Kitô hữu là những người tự do, can đảm và vui tươi“

Hà-Nội, Việt Nam - Vào buổi chiều ngày 12 tháng 1. 2016, trước sự tham dự của trên 3.500 tín hữu, tại nhà thờ Chính tòa Sở Kiện, tọa lạc ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cách Hà Nội khoảng 60 cây số, vị chủ tịch Hội Đồng Giám Mục (HĐGM) Đức-Quốc, Đức Hồng-Y Reinhard Marx đã kêu gọi các tín hữu hãy can đảm làm chứng nhân cho đức tin.

Nhà thờ Sở Kiện là nơi tưởng niệm các Thánh Tử Đạo Việt Nam từ thời bắt đầu truyền đạo cho đến thế kỷ thứ 19. „ Trong cuộc viếng thăm này tôi được nhìn thấy Giáo Hội Việt Nam là một Giáo Hội trẻ, một Giáo Hội đầy niềm vui và hy vọng, đầy can đảm và vững tin vào tương lai“. Đức Hồng-Y Marx nói tiếp: Các Thánh Tử Đạo đã cho chúng ta thấy Kitô hữu là những người tự do, can đảm và vui tươi, không sợ hãi.“ „ Từ 2000 năm nay luôn xảy ra chuyện các Kitô hữu bị truy nã, uy hiếp và giết chết. Đối diện với những xung đột đầy hung bạo trên chúng ta tự hỏi: „Tại sao các Kitô hữu đã và đang bị uy hiếp tại nhiều quốc gia trên thế giới, và không được tự do sống đức tin ?“


Nhà thờ Sở Kiện

Theo Đức Hồng-Y Marx thì lý do nằm ở chỗ là các Kitô hữu và đặc biệt các Thánh Tử Đạo là những người tự do và họ đã bỏ sự sợ hãi ra phía sau mình . Đó là mối đe dọa cho tất cả mọi nhà cầm quyền. „Nhưng không có một quyền lực văn hóa, chính trị hay xã hội nào có thể phá hủy được niềm tin này“. Đây là kinh nghiệm của Giáo Hội từ lúc khởi đầu trong thời đại La Mã. Không có một quốc gia, đảng phái, tổ chức chính trị nào có thể thay thế được chỗ đứng của Thiên Chúa. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã làm chứng nhân cho niềm xác tín trên.

Trong bài giảng Đức Hồng-Y Marx đề cập đến buổi nói chuyện với các đại diện của chính quyền tại thủ đô Hà Nội về tự do tôn giáo và đạo luật tôn giáo mới: „Tôi có cảm tưởng là từ phía chính phủ họ cầu chúc cho Giáo Hội Việt Nam một tương lai tốt đẹp. Nhưng cần phải rõ là: Tự do tôn giáo có nghĩa là Giáo Hội được hoạt động tự do, ngay cả trong lãnh vực giáo dục và công tác từ thiện, thí dụ như mở trường học và nhà thương.


Đức Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn và Đức Hồng Y Reinhard Marx


Đức Hồng Y Marx tại Tam Đảo

“ Con đường Giáo Hội ở Việt Nam đang đi không đơn giản, nhưng họ có thể tin vào sự trợ giúp của Giáo Hội Đức quốc: „ Chúng tôi sẽ cùng đi con đường của Quý Vị trong liên kết và trong cầu nguyện. Chúng ta hãy cùng nhau làm việc và cầu nguyện - nhất là để cho đạo luật tôn giáo mới sẽ trở thành bước thăng tiến hoạt động của Giáo Hội. Chúng ta hãy cầu xin các Thánh Tử Đạo tại đây cầu bầu cho chúng ta.“

Vào buổi sáng cùng ngày Đức Hồng-Y Marx đã gặp gỡ các nhà bất đồng chính kiến. Trong chương trình hôm nay sẽ còn có cuộc thăm viếng một cơ sở kinh doanh người Đức và sau đó sẽ tiếp tục lên đường vào Sài Gòn.


Đức Hồng Y Marx tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn

Được biết trong chuyến viếng thăm chín ngày từ ngày 08 đến ngày 17 tháng 01 tại Việt Nam, Đức Hồng-Y Reinhard Marx không đến được Vinh và Thủ Thiêm mà theo nhà cầm quyền CSVN cho biết là bởi lý do an ninh.