Đức đóng vai trò then chốt trong việc trao đổi tù nhân giữa Moscow và phương Tây

Reuters

Chính phủ Đức, vốn đóng vai trò quan trọng trong cuộc trao đổi tù nhân hôm 1/8 giữa Moscow và phương Tây, nói rằng họ không hề xem nhẹ quyết định trả tự do cho Vadim Krasikov, một người Nga bị kết án về vụ sát hại một cựu chiến binh Chechnya ở Berlin năm 2019.

Chính phủ Đức nói trong một tuyên bố rằng ông Krasikov nằm trong số những người Nga được phương Tây trả tự do để đổi lấy 15 người bị giam giữ “bất công” ở Nga và một người Đức bị kết án tử hình ở Belarus.

Nga đã tiếp cận Hoa Kỳ ngay từ năm 2022 với lời đề nghị sẽ trả tự do cho các tù nhân Hoa Kỳ như một phần của thỏa thuận để đổi lấy ông Krasikov, người đang thụ án chung thân ở Đức khi đó.

Nhưng vì ông Krasikov không phải là người mà phía Mỹ có thể trao đổi được, nên các quan chức Mỹ không coi lời đề nghị này là nghiêm túc.

Hơn nữa, việc hoán đổi như vậy là vấn đề phức tạp về mặt chính trị đối với Đức do vụ giết người đã được tiến hành một cách trắng trợn, giữa thanh thiên bạch nhật, chỉ cách quốc hội và văn phòng của Thủ tướng lúc bấy giờ là Angela Merkel vài phút đi bộ.

Phải đến tháng 1 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới trực tiếp nêu vấn đề này với đối tác và đồng minh cánh tả là Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông Scholz nói với ông Biden: “Tôi sẽ làm điều này vì ông”, ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, thuật lại với các phóng viên hôm 1/8.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz chào đón một số tù nhân được thả khi họ về đến sân bay Koeln và phát biểu: “Bất cứ ai cũng không thấy dễ dàng gì mà đưa ra quyết định trục xuất một kẻ sát nhân bị kết án tù chung thân chỉ sau vài năm ngồi tù”.

“Quyết định khó khăn này đã được các bộ phận liên quan và liên minh cùng đưa ra sau khi tham khảo ý kiến và cân nhắc cẩn thận”.

Ông Scholz nói thêm rằng lợi ích của nhà nước trong việc thi hành án tù phải được cân nhắc với quyền tự do của những người vô tội bị cầm tù ở Nga và những người bị cầm tù oan vì lý do chính trị.

“Và đó là lý do tại sao điều quan trọng đối với chúng tôi là chúng tôi có nghĩa vụ bảo vệ công dân Đức cũng như tình đoàn kết với Hoa Kỳ”, vẫn lời ông Scholz.

Ông Biden thừa nhận rằng Đức đã phải nhượng bộ đáng kể để đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân.

Trước cuộc trao đổi tù nhân hôm 1/8, một số quan chức Đức quan ngại một thỏa thuận như vậy sẽ khuyến khích Nga bắt công dân Đức làm con tin với hy vọng có được sự ưu ái có đi có lại.

Sau khi bắt giữ một số công dân Đức ở Nga vào nửa cuối năm 2023 và đầu năm nay, Bộ Ngoại giao Đức đưa ra cảnh báo vào tháng 3 về việc không nên đến Nga, nói rằng người Đức đã được “cảnh báo khẩn cấp” không nên đến đó.
 
Cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất giữa Nga và phương Tây kể từ thời Chiến tranh Lạnh đã diễn ra vào ngày 1/8, với tổng cộng 24 người được phóng thích.
 
16 tù nhân châu Âu và Mỹ. Trong số đó có phóng viên Evan Gershkovich của báo Wall Street Journal, người bị cáo buộc là gián điệp Mỹ.

Đổi lại, 8 tù nhân Nga đã được thả khỏi các nhà tù ở Mỹ, Na Uy, Đức, Ba Lan và Slovenia, trong đó có đặc vụ Vadim Krasikov của Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), người thụ án chung thân ở Đức về tội ám sát một chỉ huy Chechnya sống lưu vong tại một công viên ở Berlin vào năm 2019.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi đây là một “kỳ tích ngoại giao”, ông cùng Phó Tổng thống Kamala Harris đã ra đón những tù nhân được trao trả.
Về phía Nga, đích thân Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức cấp cao khác cùng với đội danh dự đã gặp những tù nhân Nga trở về tại sân bay Vnukovo ở Moscow.
 
Những ai được thả?
 
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 26 cá nhân đã được trao đổi.
Con số này bao gồm 24 tù nhân và hai trẻ em, mà một quan chức Mỹ xác nhận đã trở về Nga cùng với cha mẹ là Artyom Dultsev và Anna Dultseva - một cặp vợ chồng người Nga bị kết án làm gián điệp ở Slovenia.

Tù nhân phía phương Tây được thả:

  • Nhà báo Mỹ Evan Gershkovich, 32 tuổi, phóng viên của tờ Wall Street Journal. Ông bị kết án 16 năm tù với cáo buộc làm gián điệp. Bản thân Evan Gershkovich, báo Wall Street Journal và chính phủ Mỹ kịch liệt phủ nhận việc này.
  • Cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan, 54 tuổi, là công dân của bốn quốc gia: Mỹ, Canada, Anh và Ireland. Ông bị kết án 16 năm tù vào năm 2020 sau khi bị bắt ở Moscow vì nghi ngờ làm gián điệp vào năm 2018.
  • Nhà báo người Mỹ gốc Nga Alsu Kurmasheva, có quốc tịch Mỹ và Nga, từng là biên tập viên của Radio Free Europe/Radio Liberty, được chính phủ Mỹ tài trợ, và bị kết tội truyền bá thông tin sai lệch về quân đội Nga.
  • Nhà bất đồng chính kiến, cựu nhà báo, cựu chính trị gia Vladimir Kara-Murza, 42 tuổi, mang hai quốc tịch Nga - Anh. Ông là một trong những người phản đối chính quyền Putin mạnh mẽ nhất, đồng thời chỉ trích thẳng thắn cuộc chiến ở Ukraine và cuộc đàn áp nội bộ đối với những người bất đồng chính kiến ở Nga. Ông bị kết án 25 năm tù với cáo buộc phát tán thông tin "sai sự thật" về quân đội Nga và có liên kết với một "tổ chức không mong muốn".
  • Nhân vật đối lập Ilya Yashin, người bị bỏ tù vào năm 2022 với tội danh “truyền bá tin tức giả” về quân đội Nga. Ông Yashin bị bắt sau khi lên án những tội ác chiến tranh mà Nga bị nghi ngờ thực hiện ở Bucha.
  • Nhà hoạt động nhân quyền người Nga Oleg Orlov, 71 tuổi. Ông bị bỏ tù vào tháng 2/2024 sau khi gọi Nga là nhà nước phát xít và chỉ trích cuộc chiến ở Ukraine, lãnh mức án hai năm rưỡi với cáo buộc "liên tục làm mất uy tín" lực lượng vũ trang Nga.
  • Lilia Chanysheva, đồng minh của lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny. Bà từng là điều phối viên cho mạng lưới chống tham nhũng của ông Navalny và bị kết án 9 năm rưỡi sau khi bị chính quyền buộc tội theo chủ nghĩa cực đoan.
  • Ksenia Fadeyeva, nhân viên cũ của ông Alexei Navalny, bị kết án 9 năm tù sau khi bị buộc tội tổ chức một nhóm cực đoan.
  • Sasha Skochienko, nghệ sĩ đến từ St Petersburg, bị kết án 7 năm tù vì xé nhãn ghi giá hàng hóa của siêu thị và thay bằng thông điệp phản chiến.
  • Kevin Lik, công dân Đức-Nga, bị kết tội phản quốc khi còn vị thành niên, trở thành người trẻ nhất từng bị kết tội này. Kevin Lik lớn lên ở Đức và chuyển đến Nga khi mới 12 tuổi, bị kết án 4 năm tù vì được cho là đã gửi những bức ảnh qua email cho “các đại diện của một quốc gia nước ngoài” trước và trong suốt quá trình Nga xâm chiếm Ukraine.
  • Rico Krieger, quốc tịch Đức, bị buộc tội cài chất nổ ở Belarus và bị kết án tử hình, trước khi được lãnh đạo nước này là Alexander Lukashenko ân xá vào đầu tuần.
  • Nhà hoạt động đối lập người Nga Andrei Pivovarov, đứng đầu tổ chức Open Russia, được thành lập bởi Mikhail Khodorkovsky, người đã phải ngồi tù một thập niên vì vận động chống lại ông Putin.
  • Dieter Voronin, công dân Nga - Đức, bị kết án 13 năm tù với tội danh "phản quốc" sau khi Moscow cáo buộc ông nhận được thông tin quân sự mật từ một nhà báo khác, Ivan Safronov, người vẫn đang ở trong tù.
  • Patrick Schoebel, người Đức, bị giam giữ ở St Petersburg vào đầu năm 2024, sau khi bị cáo buộc mang theo một gói kẹo dẻo cần sa.
  • Herman Moyzhes, một luật sư nhập cư người Nga gốc Đức phải đối mặt với cáo buộc phản quốc sau khi bị bắt vào tháng 5/2024.
  • Vadim Ostanin, người Đức, cựu lãnh đạo một trong những chi nhánh khu vực của Alexei Navalny, bị kết án 9 năm tù vào năm 2023.

Tù nhân phía Nga được thả:

  • Đặc vụ Vadim Krasikov của Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), người đang thụ án chung thân ở Đức về tội ám sát một chỉ huy Chechnya sống lưu vong tại một công viên ở Berlin vào năm 2019.
  • Roman Seleznev, người bị kết tội thực hiện một kế hoạch đánh cắp dữ liệu vào năm 2017 gây thiệt hại 169 triệu USD. Các quan chức Mỹ cho biết người này đã đánh cắp dữ liệu thẻ tín dụng từ các nhà hàng và bán ở chợ đen. Roman Seleznev có cha là Valery Seleznev, một nghị sĩ và là đồng minh của ông Putin.
  • Vadim Konoshchenok, cũng được cho là đặc vụ FSB. Mỹ buộc tội Vadim Konoshchenok có âm mưu liên quan đến mua sắm linh kiện điện tử có thể được sử dụng cho mục đích quân sự và rửa tiền cho chính phủ Nga vào năm 2022.
  • Artem Dultsev và Anna Dultseva, hai vợ chồng bị bắt và kết án về tội gián điệp ở Slovenia. Mỗi người bị kết án 19 tháng tù, hai người con của họ cũng cùng trở về Nga.
  • Giảng viên đại học Mikhail Valeryevich Mikushin, bị buộc tội thu thập thông tin tình báo ở Na Uy cho Nga vào năm 2022 sau khi đóng giả là một học giả người Brazil.
  • Vladislav Klyushin, người bị kết án 9 năm tù ở Mỹ với cáo buộc nội gián.
  • Nhà báo Nga gốc Tây Ban Nha Pavel Alekseyevich Rubtsov, bị bắt ở Ba Lan vào tháng 2/2022, ngay trước khi cuộc xâm lược Ukraine nổ ra. Chính quyền Ba Lan cáo buộc ông sử dụng công việc báo chí tự do để làm vỏ bọc cho các hoạt động tình báo.