Đảng Việt Tân thay đổi lãnh đạo, tân trung ương nhiều nhân sự ‘trẻ,’ ‘từng lăn lộn ở Việt Nam’

Tân Lãnh Đạo Đảng Việt Tân nhiệm kỳ 2022-2025. Ảnh: Việt Tân

VOA

Đảng Việt Tân – một tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ và được xem là đối lập chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam – vừa kết thúc Đại Hội Đảng lần thứ 9 tại miền Bắc California và giới thiệu tân trung ương và tân lãnh đạo đảng nhiệm kỳ 2022 – 2025 vào ngày 21/9, với phần lớn nhân sự được xem là “trẻ, tài năng đa dạng, có suy nghĩ đột phá, sáng tạo và có tâm,” theo lời tân phát ngôn nhân của đảng nói với VOA.

Có tâm có tầm và không dễ bỏ cuộc

“Để cho một tổ chức có thể phát triển và trưởng thành với thời gian thì nhân sự sẽ cần đa dạng hơn và cần phải có những cái tạm gọi là ‘máu mới’ để có sự sáng tạo và suy nghĩ mới, đột phá. Trong tuyển cử tân trung ương lần này, yếu tố những người có khả năng tham mưu, có sự sáng tạo và có những khả năng có những suy nghĩ đột phá rất là quan trọng, và quan trọng hơn là những người có tâm, có những giá trị sống nhân bản, dân chủ, hiểu được tầm quan trọng của sự tự do, công bình, và quan trọng nữa là nhìn ra vấn đề gần gũi với nhân dân, đồng bào Việt Nam của mình,” Tiến sĩ Đông Xuyến – tân phát ngôn nhân của Đảng Việt Tân – nói với VOA.

Theo lời bà Đông Xuyến, số nhân sự sinh ra vào thập niên 1970, 1980, 1990 chiếm khoảng 2/3 trong tân trung ương của Đảng Việt Nam. Trong số này có những gương mặt mà vì lý do an ninh bà không muốn nêu tên, nhưng cho biết từng có nhiều kinh nghiệm “cọ xát, lăn lộn” ở Việt Nam, làm việc ngày đêm với Việt Nam nên hiểu được tình hình và tâm tư, nguyện vọng của người dân đang sinh sống tại Việt Nam.

Thành phần tân lãnh đạo Đảng Việt Tân nhiệm kỳ 2022 – 2025 được giới thiệu bao gồm: Ông Lý Thái Hùng giữ chức vụ Chủ tịch Đảng, ông Hoàng Tứ Duy giữ chức Tổng Bí thư Đảng và tiến sĩ Đông Xuyến làm Phát ngôn nhân.

Cựu Chủ tịch Đảng – ông Đỗ Hoàng Điềm – vẫn tiếp tục nằm trong bộ phận lãnh đạo trung ương của Việt Tân.

Ngoài các tiêu chí về khả năng, “có tâm có tầm,” các ứng viên được đề cử vào trung ương của Việt Tân còn đặc biệt đòi hỏi phải có “độ lỳ”, kiên trì, không dễ bỏ cuộc, vì theo lời phát ngôn viên Đông Xuyến, con đường các thành viên đảng đang đi “là một con đường nhỏ và khó,” giữa bối cảnh đảng này luôn bị tấn công, cô lập và bị “stigmatize” (bêu xấu).

Ngoài việc bầu ban lãnh đạo mới, Đại hội của Đảng Việt Tân cũng lượng duyệt tình hình đấu tranh và những nỗ lực của đảng trong công cuộc “dân chủ hóa” Việt Nam nhằm chống lại tình trạng độc tài của đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó thông qua các chính sách và kế hoạch công tác với mục tiêu “phát huy sức mạnh đối kháng của người dân.”

Bị gán là “tổ chức khủng bố,” Việt Tân nói gì?

Đảng Cộng sản cầm quyền duy nhất tại Việt Nam lâu nay vẫn liệt kê Đảng Việt Tân là một “tổ chức khủng bố.” Trong khi đó, Việt Tân tự giới thiệu mình là “một tập hợp những người Việt yêu dân chủ với khát vọng Canh Tân con người và Canh Tân Việt Nam qua các hoạt động đấu tranh bất bạo động.”

“Không ai muốn hy sinh hay phí thêm những gì mà đồng bào mình đang có, và về sinh mạng con người, ngày hôm nay thế giới văn minh không còn đấu tranh trong tình trạng phải bạo động súng ống, vì thực sự nếu bạo động súng ống thì nhà cầm quyền mạnh hơn người dân thì làm sao có thể thay đổi được. Thành ra phương pháp đấu tranh bất bạo động của người dân và của số đông vẫn là phương pháp ôn hoà, ít có sự thiệt hại nhất và xác suất mà nó thay đổi cũng rất cao. Thành ra, Việt Tân vẫn tiếp tục phát huy điều này,” phát ngôn nhân Đông Xuyến khẳng định với VOA.

“Mình phục vụ người dân nên nhà cầm quyền họ nói gì thì nói, họ tiếp tục nói như vậy để cô lập mình thôi. Họ không phải là mũi nhọn duy nhất của mình để mình phải dồn quá nhiều năng lượng vô đó. Cái mà mình cần dùng năng lượng ở đây là làm sao để cho người dân, mình hỗ trợ và mình đồng hành với người dân để có sức mạnh số đông, sức mạnh chung để tạo thay đổi cho chính họ,” đại diện của Việt Tân nói thêm.

Chính vì vậy, Việt Tân trong kỳ đại hội vừa qua đã chú trọng không ít đến việc tăng cường công tác tin vận nhằm giúp cho người dân tiếp cận nhiều hơn với nguồn thông tin đa chiều, tạo cơ hội cho nhiều thành phần hơn để họ đóng góp và đồng hành cùng với Việt Tân, và xây dựng nền tảng ở trong nước mạnh mẽ hơn để góp phần “tạo sự thay đổi,” bà Xuyến cho biết.

“Thực sự ra tất cả mọi người đều muốn thấy đất nước Việt Nam mình không còn độc tài nữa, dù là Đảng Cộng sản hay bất cứ một đảng nào khác. Vấn đề chính là không còn độc tài nữa, vì nó sẽ đưa đất nước mình đáng lý ra là tiến rất xa, dân mình rất thông minh, nhưng vì sự độc tài đó nó kìm hãm, làm tư hoại tài nguyên cũng như trí tuệ của người Việt Nam,” phát ngôn nhân Đông Xuyến nói thêm.

Trong khi đó, các nhà phân tích chính trị và báo chí quốc tế thường xem Việt Tân là một trong những tổ chức chính trị đối lập của Đảng Cộng sản và có tầm ảnh hưởng nhất định đối với xã hội và người dân tại Việt Nam.

Nguồn: VOA

XEM THÊM: