Đã đến thời ‘đối tác toàn diện’
Hình: Quốc Hội Hoa Kỳ
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 đã khép lại với chiến thắng đảo lộn của Donald Trump, nhưng lại mở ra một trang sử mới đầy khó khăn hơn hẳn trong quan hệ Mỹ – Việt. Sau nhiều năm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thỏa nguyện về yêu cầu “quan hệ với cả kênh đảng” khi họ không còn được chơi với một Đảng Dân chủ Mỹ bị xem là mềm mỏng thái quá đối với vấn đề nhân quyền Việt Nam, mà sẽ phải “đối tác toàn diện” với một Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cả hai viện trong Quốc hội Mỹ.
Về truyền thống, Cộng hòa là đảng có tiếng cứng rắn không chỉ với những hoạt động đối ngoại “bảo vệ lợi ích Mỹ ngoài biên giới Mỹ”, mà về cả nhân quyền. Trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama từ năm 2008 đến năm 2016, không phải giới nghị sĩ Đảng Dân chủ mà chủ yếu là những người của Đảng Cộng hòa mới là nhân tố gây áp lực liên tục về yêu sách nhân quyền đối với các quốc gia còn độc tôn ý thức hệ và chế độ một đảng như Cuba, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam, kể cả với những quốc gia dù đa đảng nhưng mang màu sắc độc tài như Nga và Syria. Vào năm 2015, vài chục nhân vật cao cấp của Nga và vài trăm nhân vật cao cấp của Syria đã bị Mỹ cấm nhập cảnh vào Mỹ và phong tỏa tài khoản ngân hàng ở nước ngoài là một dẫn chứng xác thực về chủ trương cứng rắn của giới lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John MC Cain và ông Phạm Quang Nghị
Trong khi đó, một hiện tượng kỳ lạ là vào cuối thời kỳ cầm quyền của Đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ, “quan hệ với cả kênh đảng” lại trở thành một nhu cầu tối thiết thân của giới quan chức Đảng Cộng sản Việt Nam, được khởi nguồn từ chuyến đi lặng lẽ đến Washington vào tháng 7/2014 của Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư thành Ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị – nhân vật đã đặt dấu mốc chẳng mấy ấn tượng khi tiếp xúc với Đảng Cộng sản Mỹ và hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Một năm sau đó, “quan hệ kênh đảng” đã trở nên chính thức không cần tuyên bố qua cuộc đón tiếp tại Phòng Bầu Dục của Tổng thống Obama dành cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng. Đến lúc này – và hiểu theo cách nào đó – Tổng Bí thư Trọng đã trở thành “nguyên thủ quốc gia”, cho dù ở Việt Nam khi ấy vẫn còn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và một thủ tướng chưa biết sẽ “ở” hay “về” là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ngay trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11/2016, “quan hệ với cả kênh đảng” một lần nữa được nhắc lại bởi chuyến công du Washington của ông Đinh Thế Huynh – người được đồn đoán sẽ trở thành “truyền nhân” của Tổng Bí thư Trọng. Trong chuyến đi này, ông Huynh đã hành xử gần khớp với trường hợp ông Phạm Quang Nghị trước đó, nghĩa là tìm cách tiếp xúc với cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa theo tỷ lệ dàn đều – một tỷ lệ truyền thống mà giới lãnh đạo Việt Nam rất sính dùng trong phương pháp đu dây tay ba Việt – Trung – Mỹ.
Tuy thế, có một thứ “điềm” gì đó không mấy suôn sẻ đã ứng vào chuyến công du của ông Đinh Thế Huynh: một trong vài nội dung then chốt mà ông Huynh muốn Mỹ tái xác nhận như thể “sẽ cho Việt Nam vào TPP” đã chịu cảnh thất vọng ghê gớm ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Tương lai TPP gần như sụp đổ sau gần một chục năm ròng rã đàm phán. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong chuyến đi Mỹ của ông Huynh cũng bởi thế đã tan thành mây khói.
Ông Đinh Thế Huynh và Ngoại trưởng John Kerry tại cuộc họp báo ở Bộ Ngoại Giao Hoa kỳ, 25/10/2016
An ủi còn lại với ông Đinh Thế Huynh cùng những người bên đảng ở Việt Nam chỉ còn là họ đã được chính phủ của Đảng Dân chủ Hoa Kỳ xác nhận mối quan hệ chính thức một cách không cần tuyên bố.
Thế nhưng nỗi thất vọng thầm kín thứ hai, sau cú sốc TPP, là Đảng Dân chủ đã bị rơi vào cảnh thoái trào có vẻ đột ngột sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, để từ đầu năm 2017 Đảng Cộng hòa mới là ông chủ thực sự của cả Thượng viện lẫn Hạ viện Hoa Kỳ.
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải khởi động lại “quan hệ kênh đảng”?
Vẫn còn quá sớm để dự đoán, và vẫn chưa có gì chắc chắn để chính phủ mới của tổng thống “không biết đâu mà lường” – Trump – cùng các nhân vật cốt cán của Đảng Cộng hòa có chịu “quan hệ với cả kênh đảng” với Việt Nam, hay là không.
Làm lại từ đầu!
Một khả năng gần như rõ ràng sẽ diễn ra là cùng với vai trò gia tăng mạnh mẽ của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ, vai trò của những nghị sĩ Mỹ quan tâm đặc biệt đến chủ đề đối ngoại và nhân quyền cũng sẽ nổi lên và có thể sẽ nổi bật. Một trong những mối quan tâm ấy đã được thể hiện bởi ảnh hưởng của Vietnam Caucus, còn gọi là “Nhóm làm việc về Việt Nam” của Hạ viện Hoa Kỳ, bao gồm những nghị sĩ có tên tuổi và quen thuộc như Loretta Sanchez, Zoe Lofgren, Chris Smith, Frank Wolf, Alan Lowenthal, Ed Royce…, cùng vài chục nghị sĩ khác của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ.