Nguyễn Ngọc Đức - Web Việt Tân|
Sau Đại Tá Brett Crozier, đến lượt Quyền Bộ Trưởng Bộ Hải Quân Thomas Modly cũng trở thành nạn nhân của đại dịch Covid-19. Vụ này tiếp tục gây sóng gió trong chính trường Mỹ và tạo ra nhiều giao động trong quân đội.
Đại Tá Brett Crozier nguyên là hạm trưởng hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt của Mỹ, chiếc tàu vừa ghé thăm Đà Nẵng vào đầu tháng Ba. Mặc dù đã cách ly ngoài biển gần 3 tuần, nhưng cuối tháng Ba, có 3 người trên tàu bị nhiễm Covid-19. Con tàu trở về đậu ở ngoài khơi đảo Guam từ ngày 27 tháng Ba. Toàn bộ binh lính, khoảng 5.000 người, không ai được lên bờ. Số người bị nhiễm tăng vọt, hiện con số là 416 người (tính đến 9 tháng Tư).
Đại Tá Brett Crozier kiến nghị với Bộ Hải Quân cho phép binh lính được cách ly trên bờ, vì với không gian chật hẹp của con tàu, sự lây lan sẽ rất nhanh. Nhưng Bộ Hải Quân không đồng ý. Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper nói với báo chí là toàn bộ thủy thủ không được rời tàu. Các thiết bị y tế cần thiết đang được chuyển đến.
Ngày 31 tháng Ba, báo chí Mỹ tiết lộ một bức tâm thư dài 4 trang của Đại Tá Brett Crozier gửi Ngũ Giác Đài báo động tình hình mà ông mô tả là rất bi đát, mạng sống của gần 5.000 nhân viên, binh lính trên tàu đang bị đe dọa (thời điểm đó, có hơn chục thủy thủ xét nghiệm dương tính với corona virus). Lá thư có đoạn viết “Chúng ta không phải đang trong chiến tranh. Các thủy thủ không cần phải chết. Nếu không hành động bây giờ, chúng ta sẽ không thể bảo vệ tài sản giá trị nhất của chúng ta: Các thủy thủ,” ông Crozier kêu gọi Lầu Năm Góc cho các binh sĩ lên bờ cách ly.
Vì lá thư bị lọt ra ngoài, nên chính quyền và quân đội Mỹ vô cùng tức giận. Ngày 2 tháng Tư, Quyền Bộ Trưởng Bộ Hải Quân Thomas Modly, ra quyết định cách chức hạm trưởng của Đại Tá Brett Crozier, vì đã để lá thư lọt ra ngoài. “Nó tạo ra định kiến rằng Hải quân Mỹ không làm nhiệm vụ của mình, chính phủ không làm nhiệm vụ của mình. Điều này hoàn toàn không đúng,” ông Thomas Modly nói thêm.
Báo chí Mỹ cho biết chính Đại Tá Brett Crozier cũng bị nhiễm Covid-19. Khi ông bị cách chức và phải rời tàu, hàng ngàn nhân viên và binh lính trên tàu tiễn đưa ông bằng những tràng pháo tay không ngừng. Họ vừa vỗ tay vừa hô tên ông như một người hùng.
Chuyện chưa dừng ở đây. Ngày 7 tháng Tư, người đã cách chức Đại Tá Brett Crozier là quyền bộ trưởng Bộ Hải Quân, ông Thomas Modly, cũng bị buộc phải từ chức. Lý do là vì ông đã có những lời lẽ miệt thị Đại Tá Brett Crozier. Những lời lẽ này bị lọt ra, gây bất mãn trong hàng ngũ binh lính trên hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt.
Tuy Đại Tá Brett Crozier bị mất chức, nhưng có lẽ nhờ lá tâm thư của ông, nên sau đó hơn 1.000 thủy thủ xét nghiệm âm tính với Covid- 19 được lên bờ và cách ly tại một khách sạn. Sẽ có thêm những binh lính khác cũng được lên bờ, nếu thật sự họ âm tính với virus này.
Trùng hợp lý thú
Một sự trùng hợp khá lý thú là chiếc tàu sân bay mang tên Theodore Roosevelt, tên của vị tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ. Trước khi làm tổng thống, vào năm 1898, ông là đại tá chỉ huy kỵ binh, đóng tại Cuba, trong cuộc chiến giữa Mỹ và Tây Ban Nha. Lúc đó khoảng 4.000 binh lính của ông bị bệnh sốt rét và bệnh vàng da. Tình trạng vô cùng nguy ngập cho cả binh đoàn của ông. Đại Tá Theodore Roosevelt xin phép cho binh đoàn của ông rời khỏi Cuba về Mỹ để chữa bệnh, vì nếu không, số tử vong sẽ rất cao. Nhưng yêu cầu của ông không được chấp thuận.
Có lẽ Đại Tá Theodore Roosevelt là người đầu tiên nghĩ ra mưu kế dùng áp lực của dư luận thay đổi quyết định của chính quyền. Ông viết một báo cáo dài gửi cho cấp chỉ huy của ông nói về tình trạng dịch bệnh đang đe dọa tính mạng của 4.000 binh sĩ. Báo cáo này bị lọt ra ngoài, đến tay hãng thông tấn AP, được báo chí loan tải, gây xôn xao trong dư luận.
Tổng thống Mỹ lúc đó là ông William McKinley vô cùng nổi giận, ra lệnh điều tra ai là người đã làm lọt bản báo cáo này ra. Cuộc điều tra không có kết quả. Nhưng dưới áp lực của dư luận, Tổng Thống McKinley đã lấy quyết định rút quân, giúp cho 4.000 binh sĩ dưới quyền của Đại Tá Theodore Roosevelt thoát chết. Sau này khi về hưu, ông Theodore Roosevelt mới tiết lộ là chính ông là người gửi một bản sao báo cáo của ông cho AP.
Sự kiện những thuyền trưởng, hạm trưởng, vì muốn cứu người mà vi phạm kỷ luật không lạ đối với người Việt tỵ nạn chúng ta. Trong thập niên 70 và 80, hàng triệu người Việt Nam vượt biển tìm tự do. Rất nhiều người đã tuyệt vọng khi nhìn thấy các thuyền tàu qua lại trên biển Đông đều lánh xa họ, không chịu cứu giúp. Vì hầu như tất cả các tàu thuyền lúc đó đều có chỉ thị không được vớt người vượt biển.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có người “bất tuân mệnh lệnh”. Như hạm trưởng William W. Mathis Hải quân Mỹ, bất chấp lệnh trên, cứu vớt 448 thuyền nhân Việt Nam vào tháng Năm, 1979. Như thuyền trưởng Jeon Je Young người Hàn Quốc, bất chấp chỉ thị của công ty, cứu 96 người Việt Nam khỏi cái chết cận kề. Sau đó, ông bị công ty sa thải và sống nghèo túng cho đến cuối đời.
Nghe nói ở Trung Quốc, Bác Sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên báo động dịch coronavirus, sau đó bị bắt, bị hạ nhục, bị chết vì coronavirus, vừa được truy phong là liệt sĩ.
Có lẽ Bác Sĩ Lý Văn Lượng không cần cái hàm vô giá trị này. Điều ông cần và ông cũng đã cố gắng thực hiện khi còn sống, đó là sự minh bạch và sự tôn trọng phẩm giá của con người.