Trong khi các nhà lãnh đạo Việt Nam kêu gọi hòa bình và hoà giải tại hội nghị thượng đỉnh Kim-Trump, thì các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền phải đối mặt với sự quấy rối và quản thúc tại gia.
Trong khi chờ gặp một nhà hoạt động Việt Nam trong một quán bar kín đáo ở trung tâm thành phố Hà Nội, người phóng viên này đã nhận được một tin nhắn qua WhatsApp: “Tôi bị an ninh theo dõi”.
Vài giờ sau đó tại một địa điểm khác – cách xa trung tâm thành phố, ông Nguyễn Chí Tuyến, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng, có tên “Anh Chí” trên mạng xã hội, đã giải thích rằng các cơ quan an ninh đã tăng cường giám sát các nhà hoạt động và các nhà vận động Việt Nam như ông, ngay trước Hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.
Ông Tuyến cho biết ông đã được chính quyền ra lệnh là không được đi vào trung tâm Hà Nội vào ban ngày, và một nhóm công an mặc thường phục đã “đóng chốt” bên ngoài nhà của ông. Ông dự đoán là các nhân viên an ninh sẽ tiếp tục theo dõi sự đi lại của ông và các nhà hoạt động khác cho đến khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc.
Ông Tuyến không phải là người duy nhất phải đối mặt với sự quấy nhiễu của nhà nước trong lúc Việt Nam rình rang tổ chức hội nghị thượng đỉnh Kim-Trump. Các nhà hoạt động nhân quyền trên cả nước đã đăng lên Facebook hình ảnh các nhân viên an ninh canh gác trước nhà của họ; có người đã đăng video thâu các cuộc tranh cãi với những an ninh canh chừng họ. Cả những người ở TP.HCM, trung tâm tài chính phía nam nằm cách Hà Nội hơn 1.700 km, cũng bị theo dõi và quấy nhiễu.
Một nhà vận động dân chủ yêu cầu giấu tên cho biết: “Nhiều nhà hoạt động bị cấm đi ra khỏi nhà, thậm chí là để đi làm kiếm sống; Nhiều người bị an ninh hộ tống khi đi mua sắm hoặc đưa con đến trường”. Cơ quan truyền thông Tiếng nói của Hoa Kỳ, phiên bản tiếng Việt (VOA) cũng đã đưa tin rằng một số nhà vận động cho biết họ hiện đang bị quản thúc tại gia trong suốt thời gian diễn ra hội nghị.
Trong khi thế giới theo dõi các cuộc đàm phán hòa bình Mỹ – Bắc Triều Tiên diễn ra ở thủ đô Việt Nam, các phương tiện truyền thông quốc tế, với khoảng 3.000 nhà báo, phần lớn đã bỏ qua sự việc phong trào dân chủ Việt Nam bị đàn áp.
Các thông điệp gởi ra từ hội nghị thượng đỉnh chủ yếu nói về Việt Nam như là một “phép màu kinh tế” mà một ngày nào đó Bắc Triều Tiên cũng có thể được như vậy, hoặc như là một điều mới lạ đối với nhiều phóng viên chưa từng đến thăm đất nước này.
Nhưng sự kìm kẹp bằng bàn tay sắt bạo lực của Đảng Cộng sản cầm quyền và hồ sơ nhân quyền vô cùng tồi tệ không khó để nhìn thấy. Truyền thông Việt Nam gần như hoàn toàn là của nhà nước, trong khi các blogger độc lập chỉ trích chế độ thường xuyên bị bắt hoặc bị đe dọa. Trong những năm gần đây, các tổ chức xã hội dân sự bắt đầu xây dựng các chi nhánh địa phương trên toàn quốc nhưng đã bị nhà nước triệt tiêu.
Trong đợt đàn áp giới bất đồng chính kiến gần đây nhà cầm quyền đã bỏ tù hơn 100 nhà hoạt động cho dân quyền, với một số người bị kết án lên đến 20 năm tù, chỉ vì đã chỉ trích Đảng Cộng sản trong các thông điệp đăng trên mạng xã hội.
Chính quyền cũng đã bắt đầu sử dụng nhiều công an mặc thường phục hơn và thuê những tên côn đồ trộm cướp để đe dọa các nhà hoạt động, các tổ chức bảo vệ nhân quyền cho biết. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Human Rights Watch, một tổ chức giám sát nhân quyền, đã dẫn chứng hàng chục trường hợp các nhà vận động bị đánh đập tàn nhẫn trong khi mua sắm hoặc đưa con đến trường.
Ngày nay, có nhiều nhà vận động dân chủ phải đối mặt với việc bị bắt giữ và có thể phải ngồi tù sau khi chính phủ đưa ra luật an ninh mạng mới, có hiệu lực từ đầu năm nay, mở rộng phạm vi các hoạt động trên mạng bị coi là bất hợp pháp.
Ông Tuyến nói rằng những kỹ thuật giám sát, quấy nhiễu mà các nhà hoạt động phải đối mặt không có gì là mới. Bản thân ông đã từng phải đối mặt với sự quấy nhiễu của công an vì những bình luận chỉ trích chính sách đàn áp của Đảng cộng sản Việt Nam.
Hơn nữa, lực lượng an ninh thường xuyên hạn chế việc đi lại và các hoạt động của các nhà vận động nổi tiếng trong thời gian diễn ra các hội nghị quốc tế.
Nhiều nhà hoạt động nói rằng, đúng ra họ đã phải đối mặt với nhiều đàn áp hơn trong tuần này, nhưng vì chính phủ Việt Nam chỉ mới được biết vào đầu tháng này là họ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, nên việc tổ chức canh chừng các nhà vận động đã không được chặt chẽ như những lần hội nghị quốc tế trước đây, bao gồm cả chuyến thăm Việt Nam năm 2017 của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Cho đến nay, gần như không có một đề cập nào đến các điều kiện nhân quyền trong nước từ ông Trump hoặc các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ, kể từ khi họ đến Hà Nội vào hôm thứ ba. Trong các cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào thứ Tư, ông Trump đã chỉ có những lời khen ngợi dành cho chủ nhà.
“Việt Nam đang nỗ lực để giúp cho Tổng thống Trump và chính phủ Hoa Kỳ, và cho đến nay việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh này có lẽ là món quà lớn nhất. Đổi lại là Washington tiếp tục im lặng về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Hà Nội”, ông Phil Robertson, phó giám đốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đặc trách Châu Á, nói.
“Chắc chắn là Đảng Cộng sản Việt Nam hy vọng rằng việc thu hút được sự ủng hộ lớn hơn trong cộng đồng quốc tế sẽ cho phép Việt Nam đàn áp các nhà hoạt động dân quyền và dân chủ mà không bị can thiệp hay chỉ trích”, ông nói thêm.
“Các nhà lãnh đạo và các nhà ngoại giao của Việt Nam rất mưu mô và hiện nay họ đã hướng được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế theo ý họ muốn”.
Các nhà hoạt động ở Việt Nam nói, hy vọng trước đó, rằng Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy cho tự do nhiều hơn ở Việt Nam, đã tiêu tan khi các chính quyền Hoa Kỳ ưu tiên các quan hệ thương mại và an ninh, hơn việc thúc đẩy nhân quyền và dân chủ.
“Về phương diện dư luận, Việt Nam là một trong những quốc gia yêu chuộng Hoa Kỳ nhất trên thế giới, ngay cả trong thời đại Trump. Người Việt Nam trông mong ở Hoa Kỳ, chứ không phải Trung Quốc hay Nga, như một ngọn hải đăng của hy vọng và tiến bộ”, ông Hoàng Tứ Duy, , phát ngôn nhân của Việt Tân, nói. Việt Tân là tập hợp của những người Việt Nam khắp nơi trên thế giới đấu tranh cho dân chủ, mà Hà Nội coi là một tổ chức bất hợp pháp.
“Hoa Kỳ sẽ bỏ lỡ một cơ hội, nếu Hoa Kỳ định nghĩa ‘Việt Nam’ một cách hạn hẹp chỉ là giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Thúc đẩy nhân quyền và tự do chính trị tại Việt Nam sẽ mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ trong dài hạn”, ông Hoàng Tứ Duy nói thêm.
Chính phủ Việt Nam rất muốn sử dụng hội nghị thượng đỉnh trong tuần này như một công cụ tuyên truyền quan trọng.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vào hôm thứ Tư đã kêu gọi cư dân thành phố phải thể hiện thái độ cư xử tốt nhất và cho thế giới thấy người Việt Nam là “những người văn minh, thanh lịch, thân thiện và hiếu khách”.
Mặc dù đã gia tăng sự kiểm soát, nhưng chính quyền Việt Nam cũng nhận ra rằng hầu hết các nhà báo nước ngoài đến Hà Nội là những người theo dõi về tình hình Bắc Triều Tiên, với ít quan tâm đến các vấn đề trong nước của Việt Nam. Thẻ báo chí được trao cho các nhà báo ngoại quốc với quy định rõ ràng cấm mọi tường trình bên ngoài những vấn đề liên quan với hội nghị thượng đỉnh.
Tuy nhiên, các blogger độc lập Việt Nam nhấn mạnh rằng các phóng viên ngoại quốc không nên quên rằng Việt Nam vẫn là một quốc gia độc đảng và là một trong những chế độ vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất của Châu Á.
Vào tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ cho phép Việt Nam chứng minh với toàn thế giới rằng đây là một đất nước hòa bình, thân thiện và trật tự.
Đáp lại, tạp chí trực tuyến độc lập The Vietnamese đã khẳng định rằng “cái giá phải trả cho một hình ảnh như vậy là tự do của những người dám thực thi quyền lập hiến của họ”.
“Việt Nam đã lật ngược tình thế với một nền kinh tế phát triển nhưng đầy dẫy tham nhũng dưới sự bảo trợ của chế độ độc tài đảng trị chà đạp nhân quyền, và Hoa Kỳ quá háo hức đón nhận họ,” ông Phil Robertson của Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền, HRW, nói. “Những người bị thua thiệt nhiều nhất là người dân Việt Nam, vì nhân quyền của họ sẽ ngày càng bị chính quyền của họ chà đạp”.
Hà Nội, 28 tháng 2 năm 2019
David Hutt
Nguồn: Asia Times