Tướng Lê Mã Lương: Nếu không lường trước nguy cơ, con cháu sẽ phải gánh hậu họa
(GDVN) - Tướng Lê Mã Lương lo ngại về việc người Trung Quốc "núp bóng" người Việt Nam mua đất tại một số điểm được cho là nhạy cảm về an ninh, quốc phòng ở Đà Nẵng.
LTS: Một số cựu tướng lĩnh quân đội quan ngại, về lâu dài, nếu có việc người Trung Quốc giấu mặt mua đất ven biển ở TP. Đà Nẵng có thể phát sinh những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh, quốc phòng…
Để làm rõ vấn đề này, hôm 27/12, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân sự Việt Nam.
PV: Quan điểm của ông như thế nào về thông tin cho rằng có người Trung Quốc giấu mặt mua đất tại một số vị trí được cho là nhạy cảm về an ninh, quốc phòng ở Đà Nẵng thời gian gần đây?
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Trước hết, cần phải khẳng định rằng, Đà Nẵng là thành phố thuộc Miền trung, có vai trò, tầm chiến lược quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, quốc phòng của cả nước.
Từ đây, mối liên hệ giữa khu vực Bắc Trung Bộ với Nam Trung Bộ và vùng chiến lược Tây Nguyên được thắt chặt hơn.
Mặt khác, vịnh Đà Nẵng có vai trò đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng. Thời kỳ kháng chiến, thực dân Pháp đổ bộ vào nước ta cũng thông qua vịnh này.
Theo thông tin của cơ quan quản lý đất đai quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng, hiện có gần 250 lô đất ven biển Đà Nẵng do người Trung Quốc núp bóng thu gom. Hiện nay, số người Trung Quốc tạm trú trên địa bàn là 302 người (222 lao động, 80 du lịch lưu trú dài hạn). Ngoài ra, số lưu trú ngắn ngày trong các khách sạn, resort tính từ 1.12.2015 đến nay là 2.710 người.
Đến thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, lực lượng địch cũng sử dụng vịnh này để đổ bộ lực lượng thủy quân lục chiến, làm điểm chuyển quân. Nói như vậy để thấy rằng, trong kháng chiến, vịnh Đà Nẵng nói riêng, Đà Nẵng nói chung có một tầm quan trọng như thế nào về mặt chiến lược quân sự, quốc phòng, an ninh của cả nước.
Mặt khác, trong thời điểm hiện tại, giữa ta và Trung Quốc đang có tranh chấp về chủ quyền biển đảo, thì vị trí Đà Nẵng lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Nói như vậy để thấy rằng, việc người Trung Quốc ồ ạt mua đất tại các khu vực được cho là nhạy cảm nói trên, rõ ràng là có ý đồ.
Về mặt chiến lược (lâu dài), nếu có chiến tranh xảy ra, thì những khu vực đã bán hoặc cho người nước ngoài thuê rất có thể trở thành những căn cứ, đại đội, tiểu đoàn yểm trợ, tiếp ứng rất lợi hại.
Khi đó, lượng dân ở đây đủ sức khống chế vùng chiến lược Miền Trung, và khả năng chia cắt có thể xảy ra. Từ đó vai trò phòng thủ tại Đà Nẵng sẽ yếu đi.
Về một khía cạnh khác, vấn đề này xuất phát từ tư duy giản đơn về lợi ích kinh tế trước mắt, chưa đánh giá hết nguy cơ tiềm tàng. Nếu không tỉnh táo sáng suốt mà cứ cho thuê/mua đất kiểu đó thì rất đáng lo ngại.
PV: Cá biệt, tại những khu vực được coi là nhạy cảm về quân sự như sân bay Nước Mặn, người Trung Quốc cũng hiện diện, xây dựng nhiều công trình cao tầng kiên cố. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Tôi còn nhớ, tháng 3/1975 chúng tôi từ trên Ái Nghĩa, được lệnh đánh xuống và giải phóng Đà Nẵng, tiếp quản sân bay Nước Mặn.
Thời điểm đó, đây là sân bay giả chiến để các loại máy bay quân sự, máy bay vận tải triển khai kế hoạch phục vụ, tiếp ứng cho Miền trung, Tây Nguyên kể cả vùng Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị. Do đó, sân bay Nước Mặn thời điểm đó vẫn giữ vai trò quan trọng trong chiến lược về an ninh, quốc phòng.
Vừa rồi tôi có ghé qua khu vực này, và không hiểu tại sao người ta lại cho người Trung Quốc xây dựng một tòa nhà cao tầng ngay sát sân bay Nước Mặn?
Trường hợp nếu quân đội ta diễn tập thì mọi động thái ở đây rất dễ bị quan sát, phát hiện từ căn nhà cao tầng này. Nếu bị phát hiện thì còn gọi gì là bí mật quân sự nữa?
Khi tôi có hỏi người lính phục vụ tại căn cứ quân sự gần đó, thì họ nói: “Anh ơi, hàng ngày chúng em rất vất vả. Những phương tiện chúng em đưa ra khỏi sân bay, hoặc xe vận tải ra vào sân bay đều phải phủ kín bạt...”.
Lúc đó tôi nghĩ lẽ ra chúng ta không đáng phải khổ như vậy, nếu có đủ sự mình tỉnh táo, không tư duy về lợi ích kinh tế theo hướng một chiều.
Khi tôi kể chuyện này cho nhiều đồng đội tôi, nhiều người tỏ ra rất ngạc nhiên, tự đặt câu hỏi, không biết đây là tư duy kiểu gì mà lại mất cảnh giác đến mức độ như thế?
Tôi có biết gần đây lãnh đạo Đà Nẵng có nhắc tới giải pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán đất của người nước ngoài núp bóng dưới danh người Việt, tại khu vực được cho là nhạy cảm này.
Nhưng tôi cho rằng, chúng ta đã hơi muộn. Nếu không lường trước nguy cơ ngay từ bây giờ, con cháu sẽ phải gánh hậu quả.
PV: Ông vừa nhắc tới “tư duy đơn giản về mặt kinh tế” có thể sẽ ảnh hưởng tới vấn đề an ninh, quốc phòng. Như vậy, trách nhiệm trong vấn đề này có hoàn toàn thuộc về người dân?
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Đừng nên đổ lỗi hết cho người dân, bởi lẽ, họ thường có tư duy giản đơn. Nếu cái gì có lợi về mặt kinh tế thì người ta sẽ làm, chứ it ai để ý tới chuyện khác.
Ở đây, người đáng trách phải là chính quyền, bởi lẽ về mặt nhãn quan chính trị, họ phải nhạy cảm hơn người dân bình thường chứ! Tại sao lại để xảy ra chuyện như vậy?
Người lạ không thể “nhảy” vào những địa điểm đó để mua đất nếu không có sự “giúp sức” của người Việt Nam.
Tôi cho rằng vấn đề không phải là người nào mua đất, mà bất kỳ ai đụng đến những khu vực nhạy cảm, liên quan tới sự an nguy của đất nước, thì chính quyền sở tại phải có trách nhiệm, vào cuộc và kiên quyết xử lý.
PV: Theo ông, Đà Nẵng nên làm gì trước những nguy cơ về an ninh, quốc phòng như ông đã phân tích ở trên?
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Từ trước tới nay, chúng ta rất coi trọng các vấn đề liên quan tới quốc phòng, an ninh, đặc biệt là những khu vực nhạy cảm với thái độ kiên quyết, rạch ròi.
Chúng ta cũng từng đưa ra rất nhiều cảnh báo về việc người nước ngoài thuê đất để làm ăn, không chỉ riêng Đà Nẵng, mà nhiều địa phương khác trên cả nước. Nhưng không hiểu sao nhiều địa phương vẫn mắc phải những chuyện như vậy?
Tôi nghĩ, trước mắt, Đà Nẵng nên tổng kiểm tra lại những lô đất đã bán, cho thuê ở những khu vực được cho là nhạy cảm về quân sự, an ninh, quốc phòng. Qua đó, làm rõ sai phạm và kiên quyết thu hồi. Điều này thể hiện tính kiên quyết, sự trung thực, sức mạnh của hệ thống chính quyền sở tại.
Về lâu dài, cần có sự thống nhất trong chỉ đạo từ trên xuống dưới. Những vấn đề đụng chạm tới an ninh, quốc phòng thì phải hỏi đơn vị quản lý có liên quan, xem có nên hay được phép làm hay không. Tránh trường hợp anh làm kiểu này, anh làm kiểu khác, đến khi sự việc vỡ lở thì mới vào cuộc thì đã quá muộn.
Đẩy mạnh công tác giáo dục an ninh, quốc phòng cho nhân dân để họ thấy được tầm quan, trách nhiệm của mình đối với đất nước, chủ quyền tổ quốc.
Quốc Toản thực hiện.
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Tuong-Le-Ma-Luong-Neu-khong-luong-truoc-ngu...