Sau 10 ngày trở về từ chuyến tháp tùng với ông Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Hoa Kỳ từ mồng 6 đến 10 tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Sơn, chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã bị tai ương đổ ập lên đầu đến “ngất xỉu”.
Ngày 19/7, ông Sơn đã ngất xỉu khi bị ông Nguyễn Tấn Dũng lột chức chủ tịch; đến ngày 21/7 thì bị Bộ công an bắt giữ ngay tại Bệnh viện với tội danh rất dài là “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”
Với tội danh nói trên, sự nghiệp 30 năm theo đuổi trong ngành dầu khí của ông Nguyễn Xuân Sơn coi như chấm dứt. Không những thế, kể từ nay, ông sẽ bước vào con đường tù tội ở tuổi 50, bởi những đòn thù từ các “đồng chí” của ông.
Theo tin tức, Nguyễn Xuân Sơn bị bắt và bị truy tố vì đã làm mất toi 800 tỷ đồng (tương đương 36 triệu Mỹ Kim) của Tập đoàn dầu khí đã đầu tư vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) lúc ông Sơn được bổ nhiệm và nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng này từ tháng 12/2008 đến tháng 11/2010, tức là trước khi được ông Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm làm Chủ tịch Tập đoàn dầu khí vào năm 2014.
Tập đoàn dầu khí là cổ đông lớn của OceanBank, nhưng Ngân hàng này đã phá sản sau khi ông Hà Văn Thắm, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank, bị bắt và bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” vào tháng 10/2014.
Bà Nguyễn Minh Thu, người kế nhiệm chức vụ chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng, cũng bị bắt chỉ sau đó 3 tháng, vào ngày 28-1-2015, về hành vi “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tiếp theo, một số cán bộ cấp cao khác của OceanBank cũng bị bắt khiến hoạt động của Ngân hàng này đi vào “ngõ cụt”.
Nhằm giải quyết vấn đề nợ nần và chấn chỉnh lại hoạt động của OceanBank, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại với giá 0 đồng và chỉ định Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) trực tiếp quản trị và điều hành OceanBank.
Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư vào OceanBank mất trắng toàn bộ tiền đầu tư, trong đó Tập đoàn dầu khí mất 800 tỉ đồng. Theo quy định, nếu để mất vốn Nhà nước thì tùy theo trách vụ sẽ bị xử phạt, kể cả đi tù.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ông Nguyễn Xuân Sơn đã rời OceanBank từ năm 2010 và đến tháng 10/2014 thì OceanBank mới gặp khó khăn, tại sao ông Sơn lại bị quy trách nhiệm?
Theo Bộ công an thì trong quá trình điều tra, ông Hà Văn Thắm đã khai vụ phá sản OceanBank có sự nhúng tay của ông Nguyễn Xuân Sơn trong thời gian ông Sơn là Tổng Giám đốc OceanBank.
Qua những diễn tiến nói trên, Nguyễn Xuân Sơn trong thực tế chỉ là “con dê tế thần” của Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc chạy đua quyền lực giữa phe ông Trọng (đảng) và phe ông Dũng (chính phủ) trước thềm đại hội XII vào tháng 1/2016.
Cuộc tranh chấp quyền lực Trọng-Dũng trở thành cao điểm vào năm 2013 khi ông Trọng muốn dùng diễn đàn Trung ương đảng để kỷ luật ông Nguyễn Tấn Dũng về tình trạng phá sản của một số tập đoàn kinh tế.
Mục tiêu của phe ông Trọng là dùng vấn đề chống tham nhũng để triệt hạ vây cánh ông Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, Trung ương đảng đã không đồng ý bỏ phiếu kỷ luật nên ông Dũng đã thoát hiểm trong trận đấu này.
Trong lúc uy tín của ông Dũng xuống dốc vì sự phá sản hàng loạt các tập đoàn Vinashin, Vinalines do ông Dũng chịu trách nhiệm về quản trị nhân sự, thì vụ giàn khoan HD 981 bùng nổ, khi Bắc Kinh cho mang giàn khoan này đặt sâu trong thềm lục địa Việt Nam để khiêu khích Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Tấn Dũng đã dùng vụ giàn khoan để củng cố lại uy tín khi công khai chỉ trích Bắc Kinh đã có những hành động bá quyền, đe dọa sự ổn định của Biển Đông. Ông Dũng còn công khai ủng hộ Phi Luật Tân trong việc kiện lên Tòa án tối cao của Liên hiệp quốc về chủ trương đường lưỡi bò chín đoạn của Trung Quốc.
Trong khi ông Dũng mạnh miệng lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh, ông Nguyễn Phú Trọng lại tìm cách đi đêm với Bắc Kinh để yêu cầu rút giàn khoan HD 981 ra khỏi thềm lục địa Việt Nam. Thái độ hèn nhát của ông Nguyễn Phú Trọng đã bị dư luận trong và ngoài nước phê phán một cách mạnh mẽ khiến cho hình ảnh chống Trung Quốc của ông Dũng có một ưu thế lớn trong nội bộ đảng.
Đặc biệt là trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm 20 thành viên bộ chính trị và ban bí thư tại Hội nghị lần thứ 10 trung ương đảng vào tháng 1/2015 vừa qua, ông Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu bảng tín nhiệm cao, trong khi phe ông Trọng có số phiếu tín nhiệm khá thấp.
Phe ông Nguyễn Phú Trọng đã biến chiêu, đưa một số ủy viên bộ chính trị của phe mình như Phạm Quang Nghị, Trần Đại Quang, Nguyễn Thị Kim Ngân viếng thăm Hoa Kỳ và chính ông Trọng cũng đòi viếng thăm Hoa Kỳ nhân đánh dấu 20 năm quan hệ bình thường giữa CSVN và Hoa Kỳ từ năm 1995 đến nay, để tạo hình ảnh “thoát trung” trong lúc Bắc Kinh ngày một hung hăng trên biển Đông.
Sự đón tiếp khá đặc biệt của chính quyền Obama đã dành cho ông Trọng tại Tòa Bạch Ốc hôm mồng 7/7, và nhất là những phát biểu mang tính chất hợp tác và thân thiện của ông Nguyễn Phú Trọng đối với Hoa Kỳ tại Viện nghiên cứu chiến lược CSIS, đã giúp cho uy tín của ông Trọng gia tăng và trở thành nhân vật đang muốn đi gần với Mỹ thay vì là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Sau chuyến đi Mỹ trở về, uy tín của ông Nguyễn Phú Trọng đang lên và trở thành một đe dọa cho sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng khi muốn ra tranh ghế Tổng bí thư đảng với phe nhóm của ông Trọng.
Nguyễn Tấn Dũng đã dùng lại chiêu thức “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng để chiếm ưu thế, khi cách chức và cho truy tố đàn em của mình là Nguyễn Xuân Sơn, chủ tịch tập đoàn dầu khí Việt Nam, một tập đoàn lớn nhất và giàu nhất Việt Nam.
Nói cách khác, Nguyễn Tấn Dũng đã hy sinh Nguyễn Xuân Sơn như một con dê tế thần, để chứng tỏ với dư luận rằng ông Dũng và phe nhóm đang “chống tham nhũng”.
Mục tiêu của Nguyễn Tấn Dũng – như Tập Cận Bình đang làm – là dùng chiêu bài chống tham nhũng để tìm sự hậu thuẫn nội bộ đảng hầu tranh ghế tổng bí thư, khi mà vấn đề “gần Mỹ” không còn là yếu tố đáng lưu ý trong thời gian tới.
Trung Điền
23/7/2015