Nguyen Ngoc Chu|
I. SỰ BẤT LƯƠNG XÉ BỎ GIỚI HẠN
1. Ngày 22/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ CA đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm CDC Nguyễn Nhật Cảm và 6 đối tượng liên quan. Tội của ông Nguyễn Nhật Cảm là đã thông đồng nâng giá máy xét nghiệm (Realtime PCR) từ 2,3 tỷ lên 7 tỷ đồng (http://cadn.com.vn/…/75_223766_bat-tam-giam-giam-doc-cdc-ha…).
Việc chiếm đoạt 4,7 tỷ đồng tiền ngân sách trong lúc cả nước căng mình chống đại dịch vius Vũ Hán đã làm rung động cả xã hội. Đó là một số tiền quá lớn trong cảnh cùng khó của người dân - phản ánh sự bất lương đã không còn giới hạn.
Giám đốc Trung tâm Nguyễn Nhật Cảm và cộng sự gian lận bị bắt giử.
2. Nhưng sự bàng hoàng không dừng lại. Tại 15 địa điểm đã mua máy ở một loạt các địa phương khác cũng đã xảy ra hành động chiếm đoạt tương tự. Các máy xét nghiệm được nâng giá từ 1,5 tỷ đồng lên 5-8,4 tỷ đồng (https://tuoitre.vn/loan-gia-mua-may-xet-nghiem-covid-19-nhi…).
Sau khi ông Nguyễn Nhật Cảm bị bắt, tức thì nổi lên cơn sóng hoảng loạn chạy tội. Một số thì đàm phán lại giá, giảm đến cả 2-3 tỷ đồng. Một số thì chuyển sang “mượn máy”. Cả xã hội mới sực tỉnh, rằng mình đã bị cướp đoạt ở mức độ không ngờ - đạt độ táng tận lương lâm.
Giọt nước mắt nấc lên xin chịu trách nhiệm và xin trả lại máy cho người bán của Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Văn Hai cho nhiều suy nghĩ trĩu lòng.
Không phải oan ức. Cũng không phải ăn năn. Vì chiếm đoạt tiền bạc nhà nước không phải là lần đầu. Cũng không phải lớn nhất. Mỗi máy nâng khống giá đến 2 - 6 lần. số tiền nâng khống cũng rất lớn, đến 5-6 tỷ đồng. So với hộ gia đình đồng bào vùng cao tiêu pha cả nhà một ngày chỉ có 100 000 đồng, thì số tiền chiếm đoạt mỗi máy 5 tỷ đồng sẽ nuôi sống 50 000 hộ gia đình trong một ngày!
3. Nhưng tính về số lần nhân khống và số tiền chiếm đoạt thì phi vụ ở CDC Hà Nội hay ở Sở Y tế Quảng Nam chưa ăn nhằm gì.
Không biết đã là kỷ lục chưa, nhưng nâng giá gấp 1300 lần ở vụ Tinro đã làm cho ai nghe đến cũng phải xanh mặt. Lô hàng thanh lý chỉ trị giá 100 triệu mà nâng giá thành 130 tỷ đồng (https://tuoitre.vn/nang-gia-thiet-bi-lan-len-gap-1300-lan-d…).
Chỉ nâng giá có 18 lần, nhưng giá trị lớn, từ 500 tỷ lên 8900 tỷ của vụ AVG làm người to gan nhất cũng phải vỡ mật. Chỉ riêng các quan to đến mức bộ trưởng như ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn nới có bản lĩnh chịu đựng được sấm sét.
Nếu tư nhân làm chủ đầu tư thì quãng đường sắt trên cao 13,5 Km Cát Linh – Hà Đông không thể vượt giá 300 triệu USD. Nâng giá hơn 3 lần, từ 300 triệu USD lên 968 triệu USD của đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã nốc ao không chỉ hàng vạn người, mà làm lao đao cả nền kinh tế Thủ Đô trong nhiều chục năm vì phải “kéo cày trả nợ”. Vụ áp phe thế kỷ đường sắt Cát Linh – Hà Đông cướp đi số tiền có thể nuôi cả 50 000 hộ gia đình đồng bào nghèo rẻo cao trong suốt khoảng 8 năm 5 tháng (668 triệu USD x23000 đồng=15364 tỷ đồng/10 0000 đồng/50 000 = 3072 ngày/365= 8,416 năm).
Đâu chỉ có những dự án đã nêu trên. Còn hàng ngàn những dự án khác nữa. Phải hỏi ngược lại, là có dự án nào của nhà nước mà không bị nâng giá?
Cho nên, cảm nhận những giọt nước mắt trong các vụ án máy xét nghiệm PCR vừa qua như thế nào đây?
Chỉ mua một chiếc máy mà khai khống để chiếm đoạt một lúc cả 500 tấn gạo, trong khi nhân dân lâm đại nạn, khi đồng bào góp từng bó rau quả trứng chống đại dịch, trong khi người nghèo xếp hàng dài tại máy tự động để nhận 1,5-3kg gạo - là sự tham nhũng đã đạt đến tột cùng khốn nạn. Lương tâm đã đến chỗ táng tận.
Đó là sự bất ngờ đến sững sờ, khi đất nước lâm vào hoàn cảnh nguy nan, đe dọa giống nòi, lại bị những mũi dao từ trong bụng đâm ra. Những mũi dao tự mình đâm chính mình.
Nhưng còn muôn vạn mũi dao như thế đang chờ phía trước - khi kẻ thù đã toan tính giăng bẫy khắp mọi nơi.
II. TẠI SAO LÃNH ĐẠO BỘ Y TẾ LẠI KHÔNG BIẾT GIÁ MÁY PCR?
Máy xét nghiệm PCR không phải là cái kim. Không phải là bó rau. Cũng không phải là vũ khí tuyệt mật. Ngoại trừ PTT Vũ Đức Đam kiêm nhiệm, sao các ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Đỗ Xuân Tuyên, Trương Quốc Cường và Nguyễn Trường Sơn không ai biết giá?
Đừng biện hộ rằng Bộ trưởng và Thứ trưởng không thể biết hết giá, và không cần phải biết giá.
Người phụ nữ chịu trách nhiệm hậu cần cho gia đình, cầm túi tiền hạn hẹp, họ phải đi khảo giá biết giá bao nhiêu mặt hàng? Từ bó rau, viên thuốc… cho đến chiếc máy gia dụng… và đến cả chiếc ô tô? Ở đâu họ cũng suy tư. Ở đâu họ cũng đắn đo.
Đã làm lãnh đạo Bộ thì phải biết giá. Từ thượng vàng cho đến hạ cám. Chưa biết thì sẽ biết ngay nếu cần. Điều đó không khó trong thời đại công nghệ internet hiện nay. Thế mới xứng với tài năng của người đứng đầu Bộ. Thế mới xứng với lòng tin được giao cả số phận một Bộ với tài sản khổng lồ về tiền bạc và con người trong tay.
Đáng ra lãnh đạo Bộ Y tế phải hướng dẫn cho các cấp dưới phải tìm mua máy ở những đâu, với giá như thế nào. Lãnh đạo Bộ Y tế không thể từ chối trách nhiệm trong đợt sóng ma quỷ mưu toan chiếm đoạt tiền bạc của nhân dân từ nâng giá máy xét nghiệm PCR.
Nguyên nhân nào? Không được báo cáo về giá? Phân cấp quyền hạn và trách nhiệm? Tiêu tiền không phải của mình? Yếu kém về trình độ? Hoa hồng? Há miệng mắc quai? Rừng nào cọp nấy?... tất cả tổng hợp lại đã làm nên các dự án như Đường sắt Cát linh – Hà Đông, AVG…và PCR.
III. TIÊU CHUẨN NÀO CHO VỊ TRÍ BỘ TRƯỞNG BỘ Y TÊ?
Vụ nâng giá máy xét nghiệm PCR đã đóng góp thêm một khẩn cầu cấp thiết, rằng Bộ Y tế rất cần một Bộ trưởng thực sự giỏi.
1. GIỎI CHUYÊN MÔN LÀ TIÊU CHUẨN QUYẾT ĐỊNH
Với những ngành liên quan đến khoa học tự nhiên như Y tế, người đứng đầu ngành phải là những người rất giỏi về chuyên môn. Vào thời của mình, không phải nhất thiết là xuất sắc số 1 trong cả nước, nhưng là trong nhóm xuất sắc số 1 của cả nước. Không chỉ giỏi chuyên môn ở ngành hẹp mà giỏi ở cả ngành rộng. Đó thực sự là những con người tầm bác học. Chỉ có thể như thế mới vững tay lái không đưa ngành Y tế đi lạc hướng, đồng thời bắt kịp với trình độ chuyên môn cao ở các nước phát triển hàng đầu.
Ở các nước TBCN, là nơi hoàn toàn tự do học thuật, trên nền tảng sở hữu tư nhân. Ở đó, các đơn vị cơ sở toàn quyền quyết định sự phát triển, nên lãnh đạo các đơn vị cơ sở thực sự là những người giỏi về chuyên môn, còn lãnh đạo ngành ở mức quốc gia cần thiên về tầm chiến lược quản lý.
Nhưng ở Việt Nam, thì lãnh đạo Bộ quyết định đến cả hoạt động tác nghiệp của các đơn vị cơ sở. Vì thế không thể không yêu cầu giỏi về chuyên môn trên bình diện rộng của tầm hiểu biết bác học. Đó là điều cần lưu ý trong lựa chọn các Bộ trưởng ở Việt Nam. Điều này không chỉ đúng cho Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, Bộ Khoa học, mà còn nhiều Bộ khác nữa.
Vài chục năm gần đây, các Bộ trưởng Bộ Y tế không phải là những nhà chuyên môn sáng láng, phần lớn cuộc đời lại bị điều đi làm quản lý các đơn vị khác chuyên môn, nên ảnh hưởng đến sự phát triển của Bộ Y tế. Chẳng hạn như ông Nguyễn Quốc Triệu từng giữ chức Phó chủ tịch rồi Chủ tịch UBND TP Hà Nội trước khi làm Bộ trưởng Bộ Y tế, nên chuyên môn bị mai một, đã không đóng góp được gì còn làm chậm bước tiến của ngành Y Việt Nam.
2. THỰC SỰ GIỎI CHUYÊN MÔN TẤT CÓ ĐẠO ĐỨC
Trong các ngành khoa học tự nhiên, trong đó có Y học, ở mọi thời, những nhà khoa học giỏi đích thực - luôn là những người biết tuân thủ và trân trọng đạo đức chuẩn mực của xã hội. Tính nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học truyền cho họ điều đó. Nếu không nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học thì không bao giờ có được kết quả khoa học giỏi.
Cho nên, người có thành tựu khoa học giỏi đích thực luôn là những người tuân thủ và tôn trọng các chuẩn mực được xã hội chắt lọc nhiều đời. Hệ quả kéo theo là đạo đức của họ luôn phù hợp với yêu cầu cao của mọi xã hội.
Các cố Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giỏi chuyên môn và sáng ngời y đức của người thầy thuốc. Chỉ có từ khi nền kinh tế thị trường hoang dã xuất hiện, đã kéo theo sự băng hoại của xã hội, tác động tiêu cực lên một số Bộ trưởng Bộ Y tế, làm giảm uy tín của Lãnh đạo nghành Y tế.
Không chỉ trong ngành Y, mà trong tất cả các ngành khoa học, những kẻ làm dơ bẩn khoa học chưa bao giờ là những người giỏi chuyên môn đích thực. Đó chỉ là những kẻ khoác áo khoa học.
3. THẾ NÀO LÀ KINH NGHIỆM THỰC TẾ?
3.1. Khoác một lý lịch dài về kinh nghiệm, ở nước ta, trong vấn đề bổ nhiệm nhân sự, là yêu cầu có hại nhiều hơn có lợi. Vì đó là kinh nghiệm giả tạo. Điều một nhân sự của Bộ Y tế đi làm bí thư huyện, phó chủ tịch hay chủ tịch tỉnh… trong một vài năm chỉ là màn kịch. Vừa không học được việc mới. Vừa quên chuyên môn cũ. Đó không phải là kinh nghiệm.
3.2. Đối với vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế, kinh nghiệm thiết thực chính là điều hành các bệnh viện lớn và các trường đại học lớn. Như tướng mặt trận làm tổng tư lệnh, chính hiệu trưởng các đại học Y, giám đốc các bệnh viện lớn trên cả nước là các ứng viên tiềm năng ngồi vào vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế.
3.3. Những người giỏi hơn nữa, bước một bước lên ghế Bộ trưởng từ chức Trưởng khoa hay Chủ nhiệm bộ môn.
3.4. Những siêu nhân, ngồi ngay vào ghế Bộ trưởng hay Tổng thống từ zero chức vụ và zero kinh nghiệm. Đó là trường hợp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Đó là trường hợp Tổng thống Ukraine Zelensky.
Lý lịch, chức vụ và kinh nghiệm là cánh cửa đóng cho tài năng trẻ xuất chúng.
4. TRONG GIỎI CHUYÊN MÔN TẤT SẼ TÌM ĐƯỢC GIỎI VỀ QUẢN LÝ
Sẽ có phản biện rằng giỏi chuyên môn chưa chắc đã giỏi quản lý. Đúng. Nhưng trong 10 người giỏi về chuyên môn tất có 1/2 không tồi về quản lý, tất có 1/4 giỏi quản lý, tất có 1/10 rất giỏi về quản lý. Cho nên chọn Bộ trưởng phải chọn trong số những người có chuyên môn giỏi nhất.
5. TRỌNG CHUYÊN MÔN KHÓ BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI CÁC NHÂN TỐ KHÁC
Người giỏi chuyên môn lấy chuyên môn làm trọng. Vì thế những nhân tố như lý lịch, quan hệ, quyền lực và quyền lợi không được họ ưu tiên bằng chuyên môn. Những người lấy lý lịch, quan hệ, quyền lực, quyền lợi làm nhân tố áp đảo trước chuyên môn - là những người không thực sự giỏi về chuyên môn. Có thể chỉ khoác áo chuyên môn!
IV. MỞ RỘNG CỬA VÀ MẠNH DẠN CẢI CÁCH
1. Tuổi 40 không thể gọi là trẻ. Đó là tuổi đủ chín chắn cho bất cứ vị trí nào, bao gồm cả vị trí Chủ tịch nước - dù chưa một ngày kinh nghiệm. Đó là lúc cường thịnh của trí tuệ và sức khỏe. Khi có trí tuệ sáng láng thì bất chấp mọi nhân tố khác – bất chấp tuổi tác, bất chấp chức vụ, bất chấp kinh nghiệm, bất chấp lý lịch.
2. ‘Con mắt tinh đời nhất’ là tổng hợp con mắt của hàng triệu người, của toàn thể nhân dân. Cho nên cần thiết phải sinh ra một quy trình dân chủ của số lớn trong lựa chọn nhân sự. Chỉ có dân chủ ở số lớn mới là ‘con mắt tinh đời nhất’. Vì đó là ‘con mắt của số lớn’. Lớn đến hàng triệu mà không thể tiền bạc nào mua được. Lớn đến hàng chục triệu để không quyền lực nào có thể khuất phục.
3. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất vất vả trong chống dịch covid 19. Thế mà Thủ tướng lại còn phải giải quyết những khó khăn do các Bộ đẻ ra. Chẳng hạn như Thủ tướng phải xoay như chong chóng trong vụ xuất khẩu gạo vừa qua. Nhiệm vụ của cấp Bộ mà lại buộc Thủ tướng phải xử lý, thì làm sao có được một Chính phủ mạnh?
Hãy mở rộng cửa cho các ứng viên trẻ. Hãy áp dụng quy luật số lớn. Hãy tranh cử 1 mất 1 còn. Ngay trong các Bộ còn nhiều nhân tài chưa có cơ hội bộc lộ khả năng. Trong Nhân dân lại còn nhiều người tài giỏi khác nữa.
Làn sóng nâng giá máy xét nghiệm PCR trong lúc cả nước gặp đại họa dịch covid 19 cho thấy tham nhũng đã đạt đến mức cuối cùng của khốn nạn. Đây không phải là hiện tượng nhất thời của ngành Y. Đây không phải là cá biệt của xã hội. Đây là căn bệnh sinh ra từ Cấu trúc Hệ thống của Thể chế.
Cho nên trị tham nhũng bằng cách bắt bỏ tù không bao giờ hết. Phải trị đúng bệnh. Phải Cải cách Thể chế.
Biết là rất khó. Nhưng kiên trì chờ đợi. Đất Nước là của chung của cả Dân Tộc.