Nhà báo Pháp gặp người nhân viên xã hội 30 tuổi, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ Hồng Kông, ở gần Nghị Viện trước cuộc biểu tình hôm 01/07/2019 nhân kỷ niệm 22 năm trao trả cho Trung Quốc. Cô phân phối những chai nước suối và khăn mặt để đối phó với khí hậu nóng ẩm hết sức khó chịu.
Tổ chức hết sức chặt chẽ nhưng đều ẩn danh
J.H. cho biết : « Tôi có mặt ở đây ngay từ hôm 9/6, trong cuộc biểu tình đầu tiên với 1 triệu người chống dự luật dẫn độ, và buổi tối lúc hàng ngàn thanh niên bao vây Nghị Viện cũng thế. Trong số những người trẻ từ 16 đến 22 tuổi ấy, tôi hầu như là già nhất ; và hệ thống tổ chức của các bạn trẻ không hề giống như cuộc Cách mạng Dù hồi năm 2014 ».
Với chiếc điện thoại trên tay, cô mở nhiều ứng dụng tin nhắn và tham gia các diễn đàn. J.H. giải thích : « Thật là choáng ngợp, rất nhiều nhóm đã được tổ chức một cách quy củ. Về hậu cần, có những người lo nước uống, khẩu trang, kính lặn, nón bảo hộ, người thì lo kiếm xe tải nhẹ, xe hơi…Về truyền thông, các bạn làm ra những video với đội ngũ thiết kế, họa sĩ. Về y tế có các bác sĩ, y tá và thuốc men ; còn hỗ trợ luật pháp thì đã có các luật sư tình nguyện ».
Người biểu tình tham gia thế giới ngầm của các mạng lưới mã hóa như Telegram, Wire hay Signal – vô danh và không có số điện thoại nên không thể truy ra được. J.H. cho biết : « Những nhóm cảnh giới gởi đi các video thông tin về sự hiện diện của cảnh sát trên toàn lãnh thổ đặc khu : vào giờ nào, ở đâu, như ở trạm métro hay nhà ga nào đó có ba, bốn cảnh sát chẳng hạn. Mỗi nhóm như vậy có từ 30.000 đến 50.000 thành viên, chưa kể đến các nhóm cảnh giới của các khu phố ».
Cuộc nổi dậy không thủ lãnh và chiếc điện thoại
Tất cả đều nằm trong chiếc điện thoại ! Đặc điểm của các cuộc biểu tình ở Hồng Kông là ở dạng phản kháng mới mẻ, hầu như độc nhất trên thế giới này ; mà những người trên 30 tuổi khó thể hiểu, còn phụ huynh lại càng khó hơn. Thế hệ này không hoạt động như cha mẹ mình hay chính giới hiện nay.
« Các bạn trẻ không muốn có thủ lãnh, không muốn bị lợi dụng về chính trị, không có lý tưởng chính trị. Họ tranh đấu vì những gì họ cho là đúng đắn. Rất đơn giản đồng thời cũng đáng ngại, vì các bạn ấy sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả mạng sống, để đạt được mục đích ».
Cha mẹ của J.H. vốn rất bảo thủ, cho rằng có thế lực nước ngoài giựt dây, nhưng cô khẳng định : « Trên thực tế, chính chúng tôi chi phối những người khác ». Chẳng hạn chiến dịch quyên góp để mua các trang quảng cáo trên một số tờ báo quốc tế lớn trước hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. « Đó là ý tưởng tuyệt vời, được một trong các nhóm đưa ra. Nhưng những người trẻ vây quanh Nghị Viện không đọc, cũng như không biết G20 là gì ! »
J.H. nhìn nhận có những bất đồng về cách đấu tranh ôn hòa hay bạo lực, nhưng không có chia rẽ trong phong trào. Cô nói : « Tôi không đồng ý với việc chiếm Nghị Viện, nhưng tôi vẫn ủng hộ các bạn ». Các bài học của năm 2014 đã được rút ra, và những thủ đoạn của chính quyền để bôi xấu phong trào không có tác dụng. Đối với cô gái, không có thất bại và cũng chưa đạt được chiến thắng. « Chưa hết đâu, chính quyền sẽ còn đàn áp. Đây là lúc để nghỉ ngơi đôi chút, không nên lao lực thái quá để rồi ngã quỵ, vì cuộc chiến đấu còn lâu dài ».