Việt Nam cần quyết đoán hơn ở Biển Đông

Cách tiếp cận “hợp tác và đấu tranh” hiện tại của Việt Nam đối với hành vi hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông đã không lay chuyển được vị thế của Trung Quốc mà còn có khả năng cho phép Trung Quốc củng cố các yêu sách của mình. Để chống lại việc Trung Quốc tiếp tục vi phạm các nghĩa vụ hiệp ước quốc tế, Việt Nam cần có các biện pháp mang tính chủ động, không làm tổn hại đến sinh mạng và đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược với Philippines.

Ngày 23 tháng 5 năm 2024, Việt Nam phản đối sự hiện diện của tàu bệnh viện Hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa và coi đây là sự xâm phạm đối với chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974, sau khi đánh đuổi quân đội miền nam Việt Nam đồn trú tại đây qua một trận hải chiến nhanh chóng.

Tuy các thoả thuận được ký kết với Trung Quốc trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện năm 2008 hay việc giải quyết tranh chấp biển năm 2011 đều có sự cam kết của hai bên đối với việc duy trì sự ổn định tại Biển Đông và giải quyết hoà bình các tranh chấp biển và lãnh thổ, nhưng hành vi hung hăng dai dẳng của Trung Quốc vẫn tiếp tục là nguồn cơn gây rạn nứt.

Đối phó với vấn đề này, Việt Nam theo đuổi chính sách “vừa hợp tác vừa đấu tranh” để ngăn chặn các tranh chấp biển leo thang và bảo vệ mối quan hệ song phương rộng hơn với Trung Quốc. Việt Nam cũng tin rằng việc thực thi Bộ Quy tắc ứng xử (COC) sẽ giúp giải quyết các yêu sách cạnh tranh và hạn chế hành vi ôn dịch của Trung Quốc.

Mặc dù cách tiếp cận hiện nay của Việt Nam đối với sự khiêu khích ngày càng gia tăng của Trung Quốc là có thể hiểu được nếu xét đến các liên kết kinh tế và sự tương đồng chính trị với Trung Quốc, nhưng chính sách “vừa hợp tác vừa đấu tranh” và tư tưởng phụ thuộc sai lầm vào COC sẽ không làm thay đổi được hành vi hung hăng của Trung Quốc và cuối cùng sẽ cho phép Bắc Kinh củng cố các yêu sách của mình ở Biển Đông. Mặc dù, Việt Nam vẫn chưa phải chịu sự cưỡng ép của Trung Quốc tới mức độ mà Philippines hiện đang phải chịu tại Bãi Cỏ Mây.

COC ít có khả năng sẽ mang tính ràng buộc pháp lý và tạo điều kiện cho việc giải quyết tranh chấp bắt buộc. Kể cả nếu COC có như vậy, thì Trung Quốc cũng sẽ không tuân thủ, minh chứng là hành vi vi phạm lặp đi lặp lại đối với Quy định va chạm (COLREGS) và việc từ chối tuân thủ phán quyết năm 2016 của Toà án Trọng tài Thường trực về tính hợp pháp của các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Mặc dù phán quyết này có tính ràng buộc đối với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn từ chối tuân thủ, tuyên bố rằng đây là phán quyết “vô hiệu” và “không có hiệu lực ràng buộc”.

Với việc ban hành Luật Hải cảnh, Luật An toàn Giao thông Hàng hải và Quy định Lực lượng Hải cảnh, Trung Quốc thể hiện rõ ràng rằng nước này sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động vùng xám cưỡng ép nhằm củng cố các yêu sách bất hợp pháp của mình tại Biển Đông. Để có thể chống lại sự hung hăng của Trung Quốc và giành lại chủ quyền đối với lãnh thổ của mình tại Biển Đông, Việt Nam cần có các biện pháp chủ động nhằm thuyết phục Bắc Kinh thay đổi hành vi và tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế theo COLREGS và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển quốc tế.

Tương tự như Hoa Kỳ trong những năm 1970, Việt Nam hiện đang đứng trước một bước ngoặt. Phản đối thông qua ngoại giao và giải quyết tranh chấp thông qua bên thứ ba sẽ không ngăn cản được hành vi hung hăng của Trung Quốc thúc đẩy các yêu sách phi pháp. Để bảo vệ chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam cần làm nhiều hơn là chỉ lên tiếng phản đối hành vi bắt nạt của Trung Quốc và sự coi thường của họ đối với trật tự pháp luật quốc tế dựa trên luật lệ. Việt Nam cần buộc Trung Quốc phải trả những cái giá hữu hình vì hành vi khiêu khích của mình.

Năm 2015, Việt Nam ký kết thoả thuận đối tác chiến lược với Philippines nhằm củng cố hợp tác biển song phương và thúc đẩy việc thực thi các quy tắc, công ước được chấp nhận một cách phổ quát nhằm đảm báo an toàn và trật tự trên biển.

Để thúc đẩy thoả thuận này, Việt Nam và Philippines có thể đàm phán hợp tác song phương nhằm quản lý chung tài nguyên tại vùng biển xung quanh các thực thể Philippines có yêu sách tại Trường Sa mà không làm phương hại tới các yêu sách chủ quyền của mỗi bên. Đổi lại, Philippines sẽ công nhận chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam tại tất cả những thực thể còn lại và vùng nước cấu thành từ chúng tại Trường Sa và Hoàng Sa.

Năm 2016, toà trọng tài quốc tế phán quyết rằng hành vi khiêu khích của Trung Quốc tại Biển Đông – chẳng hạn như đâm tàu, sử dụng vòi rồng và cản trở di chuyển, can thiệp vào các quyền liên quan đến tài nguyên và khẳng định bất hợp pháp quyền thực thi pháp luật đối với các tàu mang cờ nước ngoài bên ngoài lãnh hải của mình – vi phạm nghĩa vụ hiệp ước của nước này. Thẩm quyền được quy định trong luật Trung Quốc về quyền tài phán thực thi pháp luật đối với các tàu mang cờ nước ngoài bên ngoài lãnh hải của Trung Quốc cũng vi phạm một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của luật biển – quyền tài phán độc quyền của quốc gia mà tàu mang cờ.

Việt Nam, cùng với Nhật Bản và Philippines, có thể cùng đệ trình lên Tổ chức Hàng hải Quốc tế để chỉ ra những vi phạm lặp đi lặp lại của Trung Quốc và yêu cầu Hội đồng Tổ chức Hàng hải Quốc tế ban hành nghị quyết lên án hành động của Trung Quốc.

Trung Quốc phải chịu trách nhiệm nhà nước đối với việc liên tục vi phạm các nghĩa vụ hiệp ước của mình. Do đó Việt Nam có thể có những biện pháp hợp pháp đối phó với Trung Quốc để khiến Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý của mình. Việt Nam nên tiến hành các chiến dịch chống vùng xám bằng cách sử dụng các công nghệ không gây tổn hại đến sinh mạng, như vòi rồng, súng gây choáng, hệ thống ngăn chặn chủ động, thiết bị âm thanh tầm xa, bẫy thuyền và hệ thống răn đe bằng chất lỏng. Những biện pháp đối phó này nằm dưới ngưỡng sử dụng vũ lực và có thể được sử dụng như những biện pháp đối phó hợp pháp để thuyết phục Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ trong hiệp ước của mình.

Tất nhiên, việc sử dụng các biện pháp đối phó không gây chết người sẽ làm tăng nguy cơ Trung Quốc có thể có hành vi hung hăng hơn đối với Việt Nam, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực gây chết người, nếu Trung Quốc nhận thấy hành động của Việt Nam là quá đáng. Nhưng cách tiếp cận hiện tại của Việt Nam là không hiệu quả trong việc ngăn chặn sự cưỡng ép của Trung Quốc, đặc biệt là khi Bắc Kinh tin rằng lợi ích rộng lớn hơn của họ ở Biển Đông đang bị đe dọa.

Cách tiếp cận bấy lâu nay đã không ngăn cản được Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động dầu khí của Việt Nam, can thiệp vào hoạt động đánh cá của Việt Nam, áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm và tấn công Việt Nam trong Trận Đá Gạc Ma năm 1988. Một phản ứng quyết đoán hơn trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc là cần thiết nếu Việt Nam muốn bảo vệ các yêu sách chủ quyền của mình ở Biển Đông.
R.P.
---
Raul ‘Pete’ Pedrozo là Giáo sư Howard S Levie về Luật Xung đột Vũ trang và Giáo sư Luật Quốc tế tại Trung tâm Luật Quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ. 
Dương Ngô là ứng viên cộng tác với Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. 
Nguồn bản dịch: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông