Jackhammer Nguyễn
Sự bỏ cuộc can đảm
Ngày 21-7-2024, Tổng thống Joseph Biden của đảng Dân chủ tuyên bố chấm dứt tranh cử và ủng hộ người phó của mình là bà Kamala Harris làm ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ.
Sau tuyên bố của ông Biden, ngay lập tức số tiền đổ vào quỹ tranh cử của bà Harris liên tục tăng vọt. Các cuộc vận động tranh cử của bà ở các bang chiến địa (tức là các bang quyết định chiến thắng cuộc bầu cử vào tháng 11 này, theo hệ thống đại cử tri của Mỹ), là Georgia, Pennsylvania, Wisconsin, Michigan, Arizona, Nevada trở thành những ngày hội với hàng chục ngàn người tham gia, cả những nơi hẻo lánh như Eau Claire (Wisconsin), hay dưới cái nắng nung người ở Arizona và Nevada.
Trước hết, cần nói thêm rằng việc ông Biden bỏ tranh cử, dù đã được cử tri đảng Dân chủ bầu chọn trong kỳ sơ bộ vừa qua, là hoàn toàn bình thường, không như những thuyết âm mưu, hay những “lý luận” lấy được của phe Cộng hòa ủng hộ cựu tổng thống Trump, trong đó có khá đông người Việt, ở Mỹ cũng như Việt Nam, rằng đó là một cuộc “đảo chánh”, “đảng cử dân bầu”. Hãy đặt ra một câu hỏi đơn giản thôi, ai có quyền bắt bạn làm điều gì đó mà bạn không muốn và không thể?
Sự hứng khởi của cử tri đảng Dân chủ càng tăng lên khi bà Harris chọn ông Tim Walz, thống đốc bang Minnesota, làm phó cho mình trong liên danh tranh cử. Các cử tri trẻ tuổi mới vài ngày trước đó ngao ngán không muốn ra đường, nay nối nhau trong các dòng xe dài dằng dặt, chờ đợi được vào các cuộc vận động tranh cử của liên danh Harris-Walz.
Tại sao lại có cuộc lột xác thần kỳ như vậy của đảng Dân chủ?
Năm 2016, khi đang diễn ra cuộc tranh cử giữa hai đối thủ Trump-Hillary, một nghị sĩ Dân chủ có than phiền rằng, đảng Dân chủ đã trở thành đảng của giới trí thức hai bờ biển miền Đông và Tây Hoa Kỳ.
Minh chứng cho điều này là thất bại của Hillary Clinton, với sự quay lưng của giới thợ thuyền vùng Rust Bell (Wisconsin, Michigan, Pennsylvania), một thời là cử tri “ruột” của đảng Dân chủ, mệnh danh the Blue Wall (bức tường xanh, màu của đảng Dân chủ).
Sự cầm quyền tệ hại của Trump tạo điều kiện cho ông Biden chiến thắng vào năm 2020, dù trước đó ông tưởng như đã rời bỏ chính trường.
Joseph Biden là nhân vật cầu nối giữa các phe phái của đảng Dân chủ cấp tiến và trung dung, cũng như các khối cử tri nòng cốt, người trẻ tuổi, dân da đen,… vào năm đó, 2020.
Nhưng tình hình đã thay đổi vào năm 2024, khi sức khỏe của ông Biden không còn được như xưa nữa, nhất là sau vụ tranh luận thảm hại với Donald Trump. Cử tri Dân chủ, nhất là lớp trẻ đã góp phần làm nên chiến thắng của Biden năm 2020, cần điều gì đó khác hơn.
Sau cuộc tranh luận, ông Biden nghĩ rằng ông vẫn là nhân vật có thể kết nối các nhóm khác nhau của phe Dân chủ. Các khảo sát tín nhiệm liên tục đưa ra kết quả ngày càng tồi tệ cho ông. Các đồng minh quay lưng, không những thế họ còn lên tiếng kêu gọi ông bỏ cuộc. Trong đó nổi bật là nhóm Pass The Torch, Joe! của cử tri Dân chủ, kêu gọi ông Biden nhường lại cho thế hệ trẻ, dù họ rất quý mến ông, và trân trọng những gì ông làm được cho họ.
Ông Biden bừng tỉnh và ra một quyết định lật ngược tình thế bị lấn lướt của đảng Dân chủ.
Ngay cuộc vận động đầu tiên của bà Harris tại Georgia đã có đến 8000 người nồng nhiệt tham dự. Sự nồng nhiệt càng tăng khi bà Harris chọn ông Tim Walz làm phó cho mình, với các đám đông tưng bừng, và cao nhất đến nay là 15 ngàn người tại Detroit, thuộc bang Michigan chiến địa.
Một cây bỉnh bút của New York Times viết rằng, Tim Walz là người mà đảng Dân chủ cần từ vài chục năm nay.
Tim Walz và phần nước Mỹ bị bỏ rơi
Ông Walz lớn lên từ vùng đồng quê nghèo ở giữa nước Mỹ, bang Nebraska. Ông tạo dựng sự nghiệp chính trị của mình tại bang Minnesota, là một phần của miền Trung Tây, còn được gọi là Heartland của nước Mỹ. Vùng này cũng được gọi là bức tường xanh của đảng Dân chủ, bị Donald Trump chọc thủng năm 2016.
Đã có rất nhiều bài phân tích về sự phân cực của chính trị Mỹ, hệ quả của phân cực kinh tế, từ vài chục năm qua.
Hai vùng duyên hải của Mỹ đi đầu trong “toàn cầu hóa”, luôn là những vùng giàu có, không những giới tinh hoa của nước Mỹ tụ họp, mà còn là của cả thế giới, với những trung tâm tài chính và kỹ thuật hàng đầu thế giới như New York, San Francisco, Los Angeles,… Và đây cũng là thành trì của đảng Dân chủ. Xin lặp lại nhận định của một dân biểu Dân chủ vào năm 2016, rằng đảng Dân chủ đã trở thành đảng của tầng lớp trí thức hai bờ biển.
Các khu công nghiệp nặng của Bức Tường Xanh, cũng như những vùng nông thôn Hoa Kỳ, bị rớt lại phía sau do các sản phẩm công nghiệp nặng và nông nghiệp không thể cạnh tranh trong toàn cầu hóa, với các sản phẩm tương tự từ Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam… Và thế là những nơi này trở thành thành trì của đảng Cộng hòa đối lập với đảng Dân chủ. Điều trớ trêu là phe Cộng hòa cầm quyền ở đây liên tục trong vài chục năm cũng không làm được điều gì khác hơn là nghèo vẫn hoàn nghèo.
Trong sự bực bội của tầng lớp bị bỏ quên đó, cộng với sự xa cách (cộng sản gọi là “xa rời quần chúng”) của Hillary Clinton, là người xuất thân từ tầng lớp giàu có (trớ trêu thay là Cộng hòa giàu có), làm cho đảng Dân chủ thất bại vào năm 2016, với sự quay mặt của Bức Tường Xanh.
Ngôi sao đang sáng chói trên bầu trời chính trị Mỹ, bà Kamala Harris, dù đi lên từ vùng giàu có San Francisco, nhưng lại có phong cách vui vẻ, dễ gần với tầng lớp bình dân hơn vì cha mẹ bà thuộc giới bình dân di cư vào nước Mỹ. Điều này cộng với sự trẻ trung vui tươi của bà, giải thích một phần cho không khí nồng nhiệt trong các cuộc vận động gần đây.
Nhưng Tim Walz là yếu tố không thể bỏ qua, và có thể ông còn có tác động lâu dài hơn đối với tương lai Hoa Kỳ và đảng Dân chủ.
Ông Walz là một trong những dân biểu Dân chủ hiếm hoi đại diện cho một vùng nông thôn tại quốc hội Hoa Kỳ trong một thời gian dài. Ông cũng được cho là sẽ tìm được tiếng nói chung với tầng lớp lao động vùng Heartland, vùng đất vô cùng quan trọng trong hệ thống bầu cử Hoa Kỳ.
Ông Walz xuất thân từ công việc nông trại, vào vệ binh quốc gia, giáo viên, huấn luyện viên bóng đá Mỹ… rất gần gũi với tầng lớp bình dân mà đảng Dân chủ muốn kết nối trở lại. Ông cũng là một trong những người Mỹ không có cổ phiếu, không làm chủ bất động sản, không như đại đa số các chính trị gia Mỹ, dù Dân chủ hay Cộng hòa.
Sự bế tắc của đảng Cộng hòa
Trong khi đảng Dân chủ hồi sinh một cách ngoạn mục, đảng Cộng hòa dường như vẫn chưa tìm được hướng đi. Họ vẫn đang đắm chìm trong một cuộc chiến tranh tư tưởng văn hóa, tôn giáo vô nghĩa, trong khi xã hội hiện đại đã thay đổi rất nhiều. Họ nắm quyền ở vùng nông thôn rộng lớn Hoa Kỳ mấy chục năm nay, mà vùng này vẫn hoàn toàn là những vùng nghèo khó, với sự bế tắc xã hội dẫn đến nghiện ngập và tự sát.
Sự bế tắc của họ càng trầm trọng hơn với sự xuất hiện của tay gian thương tội phạm Donald Trump (bị tòa án New York tuyên bố có tội với 34 tội danh, và có nguy cơ bị nhiều bản án khác nữa). Đảng Cộng hòa đã trở thành một đảng sùng bái cá nhân, một loại giáo phái thờ Trump, không khác gì các đảng cộng sản trước kia và cả hiện nay. Các nhân vật Cộng hòa liêm chính như Liz Cheney, Mitt Romney, Adam Kinzinger … bị ra rìa.
Còn gần ba tháng nữa mới đến bầu cử. Vùng nông thôn có phần chắc vẫn sẽ bầu cho đảng Cộng hòa, tác động của Tim Walz với vùng đồng quê nước Mỹ hãy còn quá sớm, nhưng sự trẻ trung và gần gũi của liên danh Harris-Walz có phần chắc sẽ xoay chuyển vùng Heartland. Từ đó đưa đến một chương mới cho chính trị xã hội Hoa Kỳ, cũng như củng cố vị thế của nước Mỹ trên chính trường thế giới./.